Liệu pháp huyết tương từ người bệnh đã hồi phục có tác dụng trong điều trị COVID-19
Một nghiên cứu của Phòng khám Mayo, Hoa Kỳ kết luận rằng, truyền huyết tương giàu kháng thể đặc hiệu có thể làm giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 nặng.
Theo một nghiên cứu quy mô lớn ở những người điều trị COVID-19 do phòng khám Mayo Clinic, Hoa Kỳ thực hiện cho thấy, những bệnh nhân COVID-19 được điều trị với lượng kháng thể cao từ huyết tương của những bệnh nhân đã hồi phục có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong.
Nghiên cứu đã thu hút 35.322 bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp này tại 2.807 cơ sở chăm sóc cấp tính ở Mỹ từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 7. Hơn một nửa số người bệnh nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt và 27,5% thở máy tại thời điểm truyền huyết tương.
Nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng sớm loại huyết tương được gọi là huyết tương chữa bệnh và được hiến tặng bởi những bệnh nhân mới hồi phục, đã giúp ích đáng kể cho những bệnh nhân COVID-19 nặng.
Nghiên cứu cũng cho thấy mối tương quan giữa mức độ kháng thể trong huyết tương được truyền và tỷ lệ tử vong.
Đối với 80 bệnh nhân nhận được nồng độ IgG cao trong huyết tương, tỷ lệ tử vong trong 7 ngày là 8,9%, trong khi tỷ lệ tử vong ở người nhận huyết tương IgG trung bình là 11,6% và 13,7% đối với người nhận huyết tương có lượng IgG thấp. IgG (Immunoglobulin G) là một loại kháng thể phổ biến.
Truyền huyết tương từ lâu đã là một phương pháp điều trị các bệnh truyền nhiễm liên quan đến hệ hô hấp, bao gồm cả việc được sử dụng trong Đại dịch cúm năm 1918 và gần đây là sự bùng phát của dịch Sars (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) vào năm 2002-2003 và Cúm gia cầm H7N9 vào năm 2013.
Một số công ty dược phẩm ở Hoa Kỳ đã và đang nghiên cứu để phát triển các kháng thể COVID-19 bằng cách nuôi trong phòng thí nghiệm. Một số kháng thể đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.