Linh kiện, phụ tùng ô tô - “điểm sáng” xuất khẩu mới của Việt Nam
Dù ngành công nghiệp ô tô toàn cầu gặp khó khăn, xuất khẩu phụ tùng, linh kiện ô tô từ Việt Nam vẫn tăng, cho thấy vị thế của Việt Nam đang được nâng cao trong chuỗi sản xuất ô tô thế giới.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng của Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD, giảm 17,8% so với tháng trước và 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tổng kim ngạch 9 tháng đầu năm vẫn tăng 3,8%, đạt hơn 11 tỷ USD và nằm trong top 10 nhóm hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD trong 3 quý đầu năm 2024.
Những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Đức, đều là các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển.
Cụ thể, Hoa Kỳ dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đạt 2,4 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ, chiếm gần 22% tổng xuất khẩu nhóm hàng này. Nhật Bản đứng thứ hai, với kim ngạch 231 triệu USD trong tháng 9 và 2,18 tỷ USD lũy kế 9 tháng, tăng 1,96% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ ba, với kim ngạch 106 triệu USD trong tháng 9 và hơn 1,14 tỷ USD trong 9 tháng, tăng 20% so với năm ngoái, chiếm 10% thị phần.
Ngoài các thị trường chính, một số quốc gia khác cũng ghi nhận tăng trưởng đột biến, như Ai Cập tăng 160%, Australia tăng 69,3%, và Tây Ban Nha tăng 792%. Các hãng công nghệ và ô tô toàn cầu ngày càng tin tưởng vào chất lượng linh kiện của Việt Nam.
Dù ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang gặp khó khăn, xuất khẩu phụ tùng từ Việt Nam vẫn tăng, cho thấy vị thế của nước này trong chuỗi sản xuất ô tô thế giới.
Nguyên nhân là do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, tạo việc làm cho hơn 600.000 người, trong đó khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ lệ thu mua linh kiện của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% lên 37% trong 10 năm qua.
Những linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam xuất khẩu những năm gần đây có công nghệ tương đối cao như bộ dây đánh lửa, phụ tùng trong hộp số, túi khí an toàn, linh kiện điện tử trong hộp số,…
Tuy nhiên, theo giới quan sát, thành tích về công nghệ sản xuất, kim ngạch xuất khẩu đối với nhóm mặt hàng này chủ yếu nhờ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Họ chọn Việt Nam làm điểm sản xuất để xuất khẩu đi toàn cầu. Đó là những nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Đài Loan… như MTEX, FAPV, Nissei, Nidec Tosok, Furukawa, Okaya, Nagata, Sanyo Seisakusho, Pronics, Cobal Yamada. Các doanh nghiệp này đã sớm đầu tư vào các khu chế xuất tại TP.HCM như Tân Thuận, Linh Trung,…
Sau đó, Việt Nam cũng thu hút được các nhà cung cấp phụ tùng ô tô của các nước khác như Đức, Hàn Quốc,… Chẳng hạn nhà máy của Bosch Powertrain Solutions tại Đồng Nai sản xuất dây đai truyền lực biến đổi liên tục (CVT pushbelt) cho ngành ô tô, cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô tại châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Mỹ…
Trong khi đó, với doanh nghiệp thuần Việt trong lĩnh vực này cũng lên đến hàng trăm nhưng chủ yếu sản xuất những sản phẩm, linh kiện đơn giản, công nghệ chưa cao, giá trị còn thấp… Đa số các doanh nghiệp này khó trở thành nhà cung ứng sản xuất và cung ứng linh kiện, thiết bị gốc (OEM).
Dù vậy, theo các chuyên gia, năm 2024 sẽ là thời cơ “vàng” cho nhóm ngành linh kiện, phụ tùng ô tô phát triển bởi Việt Nam đang hội tụ được nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực.
Bộ Công Thương xác định, đến năm 2045, ngành này sẽ tập trung vào sản xuất xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng tái tạo và nhiên liệu xanh. Mục tiêu đến năm 2030, xuất khẩu phương tiện và phụ tùng đạt khoảng 14 tỷ USD và đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 36 tỷ USD. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng từ 80-85% nhu cầu linh kiện ô tô trong nước và trở thành nhà cung cấp quan trọng cho khu vực và toàn cầu.
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.