Livestream bán bất động sản: Trào lưu xu thế hay chỉ là hình thức hâm nóng thị trường trong bối cảnh "cái khó ló cái khôn"

Đầu tư và Tiếp thị
09:17 AM 30/07/2021

Khác với bán quần áo hoặc thuốc dưỡng da, đối với livestream bất động sản, các doanh nghiệp cần nhiều thứ hơn là chiếc đèn và chiếc máy tính.

Còn nhiều rào cản

Tại "Talkshow Toàn cảnh" với chủ đề "Livestream bất động sản: giải pháp hay trào lưu?", ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng giám đốc Nova E&M cho biết, cùng với nhiều hình thức trực tuyến khác, livestream BĐS hiện nay là một trong những phương thức cứu vãn tình hình cho giới địa ốc, trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài như hiện tại. 

Phương thức khác làm sao để co ngắn khoảng thời gian, khoảng cách của khách hàng và người giới thiệu lại với nhau. Cho dù dịch bệnh diễn ra thì thông qua online, các nhân viên môi giới vẫn có thể giới thiệu được những sản phẩm bất động sản đến với khách hàng của mình.

"Nova E&M trong thời gian vừa qua cũng đã nhận được rất nhiều những lời đề nghị từ khách hàng để tổ chức các chương trình sự kiện online, livestream, và đặc biệt là giới thiệu các dự án mới của Novaland", ông Tùng cho biết.

Tuy nhiên theo CEO Nova E&M, nói là phương thức hâm nóng hay trào lưu theo xu thế thì chưa hẳn vì chính xác đây là hình thức kinh doanh. Chỉ có điều hình thức kinh doanh này không ai mong chờ từ đầu, trong dân gian ta gọi là trong "cái khó ló cái khôn"'.   

Theo dữ liệu của nền tảng bất động sản Propzy quý 2/2021, trước khi giai đoạn giãn cách diễn ra, số lượng giao dịch bất động sản ở các khu vực tăng khá cao. Có những khu vực giao dịch gia tăng đến đến 20%. Nhưng ngay lập tức giảm thẳng đứng xuống bởi vì các quy định giãn cách. Và đó cũng là lý do các phương thức mới mẻ hơn đã phải ra đời, trong đó có livestream bất động sản.

Livestream bán bất động sản: Trào lưu xu thế hay chỉ là hình thức hâm nóng thị trường trong bối cảnh cái khó ló cái khôn - Ảnh 1.

Bà Phạm Minh Nguyệt – CMO Propzy, cũng là khách mời của talkshow, cho biết, theo quan sát của bà, hình thức livestream thực chất chưa tạo ra được nhiều hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp. Bởi các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, đối với hình thức livestream cần xác định có hai chỉ số đánh giá hiệu quả: chỉ số giao dịch thực tế các bất động sản và chỉ số về hiệu quả truyền thông. Mọi người đang đón nhận hình thức này ở khía cạnh truyền thông cho thương hiệu nhiều hơn. Những ghi nhận về chỉ số giao dịch thực tế theo quan sát của bà Nguyệt là còn hạn chế khi thực hiện thông qua livestream.

Thứ hai, giá trị sản phẩm cũng là rào cản đối với hình thức này. Livestream đang rất hiệu quả trong ngành ecommerce và bán lẻ khác bởi vì giá trị của những món hàng đó thấp hơn rất nhiều dẫn đến sự quyết định cũng nhanh chóng và dễ dàng hơn. Trong khi đó, với các sản phẩm bất động sản có giá trị 3-10 tỷ, đặc biệt là nhà phố, đất nền thì chắc chắn đây cũng là một rào cản rất lớn. 

Thứ ba, nhóm khán giả xem livestream tại Việt Nam cũng chưa phải đối tượng khách hàng mục tiêu của các doanh nghiệp. Các khách hàng mua được nhà và giao dịch nhà nằm trong tầm tuổi 30 - 55. Thói quen của họ về việc coi livestream và cách tiếp cận đến những hình thức đó cũng còn hạn chế. Chưa kể, tư duy, mức độ chấp nhận, mức độ tin tưởng vào những thông tin được nói trên livestream hay là những thương hiệu đang livestream cũng là vấn đề mà người xem ở độ tuổi đó sẽ quan tâm. 

Có niềm tin, thương hiệu làm gì cũng thắng

Đồng quan điểm trên, ông Thanh Tùng nói thêm, yếu tố bắt buộc khi làm livestream bất động sản chính là niềm tin. Phải có niềm tin, từng bước từng bước một, từng chi tiết nhỏ nhất trong chương trình đó đều phải tạo được niềm tin. Do đó, đây cũng là lý do ông Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp cần phải chú ý đến từng bước trong quá trình thực hiện các hoạt động livestream. 

"Để làm một chương trình livestream chỉn chu, đàng hoàng, đúng tiêu chuẩn quốc tế thì không hề rẻ. Nó chỉ rẻ khi bạn bán con chuột, điện thoại hoặc thuốc dưỡng da, thuốc dưỡng trắng", CEO Nova E&M cho biết.

Thứ nhất, công tác mời khách, thu hút người tham gia trước sự kiện phải được đặt lên hàng đầu. "Nếu là một chương trình giải trí, mình nghe con số lên hàng triệu người xem mình rất là thích. Đối với những người làm chương trình giới thiệu bất động sản trên livestream, tôi lại không nghĩ như vậy. Vì số lượng người xem nó không quan trọng bằng số lượng khách hàng mục tiêu. Ví dụ độ tuổi doanh nghiệp cần là từ trên 35 cho đến 55. Vậy nếu livestream toàn rơi vào độ tuổi 18-20 thì coi như livestream đó thất bại, cho nên con số hàng triệu nó không giải quyết được vấn đề, mà giải quyết được vấn đề là mình mời đúng đối tượng bấm nút on khi mà chúng ta bắt đầu chương trình".

Thứ hai, người dẫn chương trình hay người phát ngôn cũng vô cùng quan trọng. Người dẫn chương trình hay phát ngôn không chỉ cần khả năng dẫn dắt, mà còn phải là một nhân vật có thâm niên, có uy tín để từng lời nói của họ tạo ra sức nặng cho người nghe, đặc biệt là người nghe đang đứng trước một cột mốc rất quan trọng đối với họ là mua bất động sản. 

Thứ ba, điều tạo niềm tin cho một chương trình livestream chính là sự tương tác. Nếu như không có tương tác thì không tạo được sự tin tưởng. Sự tương tác qua lại giữa người với người, giữa người dẫn và khách mời, giữa khách mời và khán giả sẽ tạo ra trường cảm xúc dành cho người livestream. Lúc đó cho dù chúng ta đang có khoảng chừng 100 - 1.000 người ở 1.000 địa điểm khác nhau, chúng ta vẫn có cảm giác đang ngồi cùng nhau. 

Tiếp lời ông Tùng, CMO Propzy cũng cho rằng, vấn đề về độ tin tưởng trong một thương hiệu (gọi là brand trust) là cả một hành trình cần phải làm để tạo niềm tin, tình yêu của người tiêu dùng đối với thương hiệu đó. 

Không chỉ làm livestream, mà làm marketing nói chung là nghệ thuật đi vào lòng người. Làm cách nào để cho khách hàng không chỉ biết đến mình, mà họ phải gắn kết với mình hơn, nói chuyện với mình nhiều hơn, từ từ tin tưởng mình và cảm thấy yêu mình. 

"Điều này y chang như là một con người vậy đó. Cho nên bạn nào livestream giỏi chắc cũng có thể yêu một người rất tốt. Khi khách hàng đa yêu bạn rồi, cho dù mình bán hàng bằng công cụ livestream hay webinar hay mình bán hàng bằng một công cụ nào cũng dễ dàng được tiếp nhận hơn. Cho dù là mình bị ngăn sông cấm chợ nhưng mà đường dây tình cảm của mình hay là kết nối của mình với khách hàng thì không có gì ngăn cản được".

Xu hướng đường dài

Hai chuyên gia cũng đã đưa ra những nhận định của mình về việc liệu livestream hay là các phương thức mới có tiếp tục phát triển trong giai đoạn hậu đại dịch hay không và liệu là có được bổ sung thêm những phương thức nào đó để nâng cấp lên hay không?

Ông Thanh Tùng chia sẻ, ngày hôm nay chúng ta đang thịnh hành tất cả những gì thuộc về online. Nhưng nếu những ngày giãn cách vừa kết thúc, chắc chắn điều đầu tiên là chúng ta làm chính là dẹp ngay tất cả những hình thức online và đến gặp nhau. Đến khi nó cân bằng lại thì lúc đó cả On-air, Online và On the ground lại tiếp tục "tam kiếm hợp bích với nhau". Tất cả mọi vũ khí cuối cùng cũng chỉ để chiến thắng, vậy thì càng nhiều vũ khí lại càng tốt.

Chưa kể, livestream cũng sẽ biến thể thành nhiều hình thức khác nhau. Hiện tại chúng ta có thể livestream đối với những người trong nước, sau này chúng ta có thể livestream với những người nước ngoài. Livestream nó chỉ là một nền tảng, còn biến thể của nội dung sẽ càng ngày càng phát triển. 

"Nó sẽ không mất đi nhưng nó sẽ thay đổi. Đứng ở khía cạnh là một người làm về media tôi nghĩ rằng là một người giỏi hay đơn vị giỏi sẽ kết hợp được cả 3 mặt trận này cùng một lúc để tạo ra được độ nở và độ vang càng ngày càng rộng lớn hơn", ông Tùng đánh giá.

Còn đối với bà Phạm Minh Nguyệt, ngoài livestream thì công nghệ cho bất động sản là Virtual Home Tour có thể sẽ phát triển. Theo đánh giá của Propzy, xu hướng lâu dài hơn để phát triển trong ngành proptech (bất động sản công nghệ) chính là công nghệ thực tế ảo Virtual Home Tour. 

Livestream bán bất động sản: Trào lưu xu thế hay chỉ là hình thức hâm nóng thị trường trong bối cảnh cái khó ló cái khôn - Ảnh 2.

Bà Phạm Minh Nguyệt – CMO Propzy

Trong một giao dịch bất động sản thì việc coi nhà, việc đi tour cực kỳ quan trọng. Với công nghệ này khách hàng không cần phải đi coi nhà nữa. Đối với thị trường sơ cấp, mọi thứ được thể hiện bằng hình ảnh rất rõ ràng. Nhưng mà thách thức của Propzy là đang bán nhà thứ cấp, tức là những căn nhà riêng và mỗi căn lại khác nhau. Để mang được công nghệ này vào ứng dụng cho mấy chục nghìn căn nhà ở trên nền tảng của Propzy là một trong những thách thức và trở ngại rất lớn mà đội ngũ của bà Nguyệt đang đương đầu. 

"Vậy thách thức mà Propzy đang giải quyết là làm thế nào để ứng dụng toàn bộ những công nghệ này để đem lại sự tiếp cận người dùng rất cao và nhanh, thì đó cũng là xu hướng của các công ty Proptech trên thế giới ở thời điểm hiện tại", bà Nguyệt nhấn mạnh.

Hạ Vy
Ý kiến của bạn
Việt Nam có thể trở thành "con hổ kinh tế" tiếp theo của châu Á Việt Nam có thể trở thành "con hổ kinh tế" tiếp theo của châu Á

Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí và có các động lực để trở thành một nền kinh tế "con hổ" khu vực châu Á. Nhưng để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục, cải thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện các cải cách chính sách.