Lộ diện tỉnh có dân nhập cư nhiều hơn cả TP. HCM, Đà Nẵng: Cứ 5 người từ 5 tuổi trở lên ở đây, thì 1 người là đến từ tỉnh khác

Xã hội
08:44 AM 19/10/2021

Toàn quốc có 12 tỉnh có tỷ suất di cư thuần dương, nghĩa là người nhập cư nhiều hơn người xuất cư.

Theo dữ liệu từ báo cáo thống kê giới tại Việt Nam, liên quan đến cơ cấu hộ dân cư chia theo giới tính, chỉ 27% hộ gia đình có chủ hộ là nữ. Có đến 67% phụ nữ là chủ hộ trong hộ gồm 1 thành viên, con số này ở nam giới là gần 33%.

Báo cáo nhấn mạnh, con số này cho thấy, phụ nữ có nhiều khả năng sống tại các hộ gia đình đơn thân, chỉ có một người trưởng thành.

Lộ diện tỉnh có dân nhập cư nhiều hơn cả TP. HCM, Đà Nẵng: Cứ 5 người từ 5 tuổi trở lên ở đây, thì 1 người là đến từ tỉnh khác - Ảnh 1.

Nguồn: TCTK, Khảo sát mức sống dân cư năm 2019

Trong khi đó, với các hộ gia đình có quy mô từ 2 người trở lên, tỷ lệ chủ hộ là nam cao hơn nhiều so với tỷ lệ chủ hộ là nữ. Đối với những hộ gia đình có từ 6 người trở lên, chỉ 19% hộ có chủ hộ là nữ, còn 81% chủ hộ nam.

Tương tự, với hộ gia đình từ 3-6 người, chênh lệch chủ hộ nam - nữ cũng tương đối lớn (77,5% và 22,5%). Hộ gia đình có 2 người cũng có tỷ lệ 68,2% - 31,8%.

Cứ 5 người từ 5 tuổi trở lên ở Bình Dương, thì 1 người là đến từ tỉnh khác

Tỷ suất di cư thuần là hiệu số giữa số người nhập cư và số người xuất cư của một đơn vị lãnh thổ trong kỳ nghiên cứu (thường là một năm lịch) tính bình quân trên 1000 dân của đơn vị lãnh thổ đó.

Báo cáo cũng nhấn mạnh về tỷ suất di cư, với 12 tỉnh trên toàn quốc có tỷ suất di cư thuần dương. Điều này có nghĩa là, người nhập cư nhiều hơn người xuất cư. Trong đó, tỉnh Bình Dương có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất, (200,4‰) với hơn 489 nghìn người nhập cư, nhưng chỉ có khoảng 38 nghìn người xuất cư khỏi tỉnh này trong 5 năm trước.

Như vậy, cứ 5 người từ 5 tuổi trở lên ở tỉnh Bình Dương, thì có 1 người đến từ tỉnh khác. Tiếp theo là Bắc Ninh, TP. HCM và Đà Nẵng với tỷ suất di cư thuần lần lượt là 85,3‰, 75,9‰ và 68,4‰.

Tây Nguyên chuyển từ vùng nhập cư trở thành vùng xuất cư, với tỷ suất di cư thuần là -12‰. Đặc biệt, đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là 2 vùng nhập cư lớn nhất cả nước. Đông Nam Bộ - vùng kinh tế phát triển với các khu công nghiệp lớn, tiếp tục là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư, với 1,3 triệu người nhập cư năm 2019.

Nữ giới vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới trong tổng dân số di cư, nhưng sự khác biệt này đang dần thay đổi theo hướng cân bằng. Phần lớn người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ từ 20-39 tuổi (chiếm 61,8% tổng số người di cư).

Lộ diện tỉnh có dân nhập cư nhiều hơn cả TP. HCM, Đà Nẵng: Cứ 5 người từ 5 tuổi trở lên ở đây, thì 1 người là đến từ tỉnh khác - Ảnh 3.

Nguồn: TCTK, Khảo sát mức sống dân cư năm 2019

Song do tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, tính từ tháng 7 đến 15/9, cả nước đã có khoảng 1,3 triệu lao động về quê tránh dịch. Trong đó, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam

Tuy nhiên, số liệu thống kê lần này chưa tính đến dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi TP. HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách. Đối với Bình Dương, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh, tính đến ngày 11/10 đã giải quyết cho gần 90.500 người dân cư trú trên địa bàn tỉnh về quê.

Thống kê 930.000 người từ 15 tuổi trở lên đã trở về địa phương, khoảng 34% đang có việc làm; 38% mất việc, không tìm được việc làm do cách ly, giãn cách và số còn lại không có nhu cầu làm việc do e ngại dịch bệnh.

Anh Vũ
Ý kiến của bạn