Lo ngại giá cà phê tăng cao gây đứt gãy chuỗi cung ứng
Giá cà phê những ngày đầu tháng 5 đã đạt mức cao kỷ lục, trên 131.000 đồng/kg. Đây là niềm vui cho người trồng cà phê nhưng lại là áp lực cho doanh nghiệp thu mua và gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), sau 30 năm trồi sụt, năm nay giá cà phê mới lập đỉnh trở lại. Giá cà phê Robusta xuất khẩu ngày 2/5 (giao kỳ hạn tháng 7/2024) lên đến 4.021 USD/tấn, vượt xa thời kỳ huy hoàng của cây cà phê năm 1994 với 3.150 USD/tấn.
Còn giá trong nước là 133.000 đồng/kg, gấp gần 3 lần thời điểm này năm ngoái. Đây là cơ hội lịch sử đối với nông dân trồng cà phê.
Tuy nhiên, những biến động về giá này cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Giá thu mua cà phê đã tăng gần gấp 3 lần so với đầu vụ cà phê nên các doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn lớn, tuy nhiên, hạn mức tín dụng của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp lại không tăng. Bên cạnh đó, tốc độ tăng nhanh của giá cũng sẽ tạo ra rủi ro cao đối với các doanh nghiệp thu mua hàng để xuất khẩu thông qua các đại lý, thương lái.
Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) đánh giá, giá tăng mạnh đã khiến năng lực thu mua của các doanh nghiệp giảm xuống và có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, các hợp đồng tương lai có rủi ro rất cao. Trong khi phải đến tháng 10 tới Việt Nam mới thu hoạch cà phê vụ mới, những diễn biến thời tiết khô hạn khắc nghiệt hiện nay ở Tây Nguyên cũng khiến nông dân lo ngại về sản lượng cà phê.
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng nhận định, thị trường cà phê Việt Nam năm nay đã trở thành một vấn đề thời sự, giá cà phê tăng mạnh từ 30.000-50.000 đồng/kg lên đến hơn 130.000 đồng/kg, gây ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam.
Các nhà xuất khẩu, các công ty thương mại thu mua cà phê trong nước đã ký hợp đồng với các nhà nhập khẩu cà phê ở nước ngoài từ đầu vụ cà phê với giá dao động từ khoảng 50.000-70.000 đồng/kg, đến nay, do thị trường nước ngoài khan hiếm cà phê, cung không đủ cầu,... nên chuỗi cung ứng bị thay đổi, khiến giá tăng phi mã.
Do giá cà phê tăng nên nhiều nhà vườn có thu hoạch cà phê cũng không muốn bán, dẫn đến “cháy” hợp đồng với nhà cung ứng và nhà nhập khẩu nước ngoài, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành cà phê Việt Nam trên thị trường xuất khẩu quốc tế.
Trước tình hình trên, VICOFA cho rằng cần phải tìm ra giải pháp để đảm bảo sự bền vững của chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam, thực thi các hợp đồng đã ký kết và ổn định giá cà phê Việt Nam ở mức hài hòa lợi ích của nông dân, đại lý, nhà cung ứng, nhà xuất khẩu, nhập khẩu cho tới người tiêu dùng trên thế giới.
VICOFA cũng khuyến nghị các thành viên một số hướng giải quyết. Một là nhờ các công ty nước ngoài mua cà phê từ những nguồn khác, còn công ty Việt Nam sẽ đền bù lại phần mua đó. Thứ hai là chủ động nhập khẩu cà phê từ nước thứ 3 để có đủ hàng giao. Thứ ba là với những hợp đồng có thể lùi lại được thì đàm phán lùi thời gian giao hàng vào đầu vụ mới. Những giải pháp đó được nhiều công ty nước ngoài đồng tình, ủng hộ.
Bên cạnh đó, sự đồng hành của các ngân hàng là rất quan trọng. Thực tế cho thấy, một số ngân hàng đã tạo điều kiện về vốn để các doanh nghiệp cà phê có đủ tiền mua cà phê thực hiện các đơn hàng đã ký với khối lượng lớn trong bối cảnh giá cà phê tăng cao.
Bên cạnh đó, ngân hàng cần xem xét tăng hạn mức cho vay và ưu tiên lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê để đảm bảo thực hiện các hợp đồng cung ứng, xuất khẩu đã ký.
Về lâu dài, việc ổn định sản lượng cà phê Việt Nam sẽ là cơ sở rất quan trọng để giữ vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới và đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành cà phê.
An Mai (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.