Lo ngại tình trạng “call margin” diễn ra trên diện rộng

Chứng khoán
08:37 AM 24/04/2024

Với tình trạng "căng margin" (dư nợ cho vay ký quỹ) như hiện nay, nếu thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục giảm có thể kích hoạt tình trạng "call margin" (bán giải chấp) trên diện rộng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch đầy sóng gió với những phiên giảm mạnh và để mất 101,74 điểm (-8%), đánh dấu tuần giảm kỷ lục kể từ đầu tháng 10/2022.

Lo ngại tình trạng “call margin” diễn ra trên diện rộng- Ảnh 1.

Mặc dù nhịp điều chỉnh của thị trường là cần thiết trong quá trình đi lên, song hầu hết các chuyên gia đều chung nhận định áp lực margin hiện tại rất lớn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến thị trường điều chỉnh mạnh hơn.

Với tình trạng "căng margin" như hiện nay, nếu thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục giảm có thể kích hoạt tình trạng "call margin" trên diện rộng.

Hầu hết các công ty chứng khoán (CTCK) đều có dư nợ cho vay margin tăng trưởng nhanh trong quý đầu năm nay, dao động trên dưới 50% so với năm ngoái. Thậm chí, không ít doanh nghiệp ghi nhận dư nợ đạt kỷ lục sau đợt công bố báo cáo tài chính quý I/2024.

Theo Công ty Chứng khoán Agriseco, tình trạng "căng margin" hiện nay, nhịp điều chỉnh của thị trường có thể trở nên khốc liệt hơn với hiệu ứng "call margin" từ các CTCK. Chỉ trong tuần vừa qua, VN-Index đã giảm hơn 100 điểm, tương ứng với mức giảm 8%, và nhiều cổ phiếu đã giảm từ 15-20% chỉ trong 1 tuần. Nếu thị trường vẫn tiếp tục đà giảm, tình trạng "call margin" ở các CTCK sẽ diễn ra trên diện rộng và xuất hiện một nhịp giảm rũ bỏ để hạ bớt dư nợ margin ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, đà rơi mạnh sẽ khó tiếp diễn vào tuần tới. Bởi nhịp giảm mạnh vừa qua, định giá của thị trường và nhiều nhóm cổ phiếu đã về vùng hợp lý hơn. Từ đó, kích hoạt dòng tiền bắt đáy. Đặc biệt nhóm cổ phiếu tốt lại được chiết khấu hợp lý, sẽ tạo kích thích nhà đầu tư tham gia giải ngân.

Dù không quá lạc quan, nhưng chuyên gia của Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, khả năng VN-Index giảm 15-20% rất khó xảy ra. Ngưỡng quanh MA200, tương đương với 1.170 điểm sẽ hỗ trợ mạnh cho đợt giảm giá lần này. Thị trường chứng khoán chỉ có thể "thủng" ngưỡng trên khi các trụ cột tăng giá trong nước bị xâm phạm rõ ràng và thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm mạnh.

Với các yếu tố chính như môi trường lãi suất thấp và nới lỏng tiền tệ, sự phục hồi kinh tế trong nước và kỳ vọng nâng hạng thị trường và KRX, hiện tại nguy cơ mới ở mức cảnh báo chứ chưa đe dọa sẽ đảo chiều mạnh chính sách tiền tệ.

Mặc dù vẫn còn một số yếu tố khác, nhưng chuyên gia DSC cho rằng không phải vấn đề quá đáng ngại. Thêm vào đó, khi các ngân hàng vẫn còn "game" tăng vốn và chia tách, cổ phiếu ngân hàng vẫn còn cơ hội hồi phục và VN-Index khó giảm sâu.

Về chiến lược hành động, chuyên gia DSC cho rằng thị trường khi tăng thì nhìn đâu cũng tốt, khi "rơi" thì nhìn cái gì cũng xấu, quan trọng tỉnh táo nhìn nhận và hiểu mình là ai trước khi hành động. Với những người hành động theo xu hướng và muốn mọi thứ xác nhận, nghĩa là khi bối cảnh bớt xấu mới tham gia và rõ ràng hiện tại có rủi ro "bắt dao rơi". Tuy nhiên, cần xác định là khi mọi thứ sáng tỏ mặt bằng định giá sẽ cao hơn. Đối với người hành động sớm và dựa trên suy đoán, chuyên gia khuyến nghị giải ngân dần quanh MA200 với tỷ trọng phù hợp.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự cung tự cấp, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.