Lo ngại xét tuyển kết hợp IELTS tạo ra bất bình đẳng, đại diện các trường đại học nói gì?
Nhiều người cho rằng phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ sẽ gây lo ngại về sự bất bình đẳng giữa thí sinh thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, đại diện các trường đại học lý giải đây là một trong những phương thức nhằm tuyển chọn thí sinh chất lượng cao.
Xét tuyển kết hợp IELTS có tạo ra bất bình đẳng?
Một vài năm qua, chỉ có một vài trường xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS, song đến năm 2021, qua thống kê, cả nước đã có khoảng hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT,… là tiêu chí để ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng.
Thậm chí, mùa tuyển sinh 2021 vừa qua, những trường đại học top trên có điểm chuẩn cao như Trường Đại học Y Hà Nội, Học viện An ninh Nhân dân,… cũng lần đầu tiên đưa tiêu chí trong xét tuyển.
Tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, thí sinh đạt IELTS 6.0 trở lên có thể đăng ký xét tuyển theo phương thức kết hợp vào ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, vào ngành Điều dưỡng nếu IELTS 5.0 trở lên…
Chính sách này đã tạo ra cuộc chạy đua học và thi lấy bằng IELTS, đặc biệt phổ biến ở các thành phố lớn, để rộng cửa vào đại học. Nhiều giáo viên và chuyên gia lo ngại, việc này gây bất công cho thí sinh ở nông thôn hoặc địa phương khó khăn, không đủ điều kiện tiếp cận ngoại ngữ.
Ông Đào Tuấn Đạt là giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, và phụ trách chuyên môn của trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, năm 2021, 30 học sinh (chiếm 10%) học sinh lớp 12 của trường có chứng chỉ IELTS đủ để tuyển thẳng vào các trường.
Ông Đạt cho rằng, phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ giúp đại học có thêm lựa chọn tuyển sinh nhưng gây lo ngại về sự bất bình đẳng giữa thí sinh thành thị và nông thôn vì không phải học sinh nào cũng có điều kiện học được.
Về vấn đề này, thầy Vũ Khắc Ngọc, một giáo viên dạy Hóa của Hà Nội cho rằng, các trường Đại học được tự chủ tuyển sinh nên việc đưa thêm các phương thức tuyển sinh mới, trong đó có xét tuyển kết hợp bằng chứng chỉ IELTS là quyền của các trường.
Thầy Ngọc cho rằng, công bằng mà nói, 1 thí sinh có điểm IELTS cao "nhiều khả năng" sẽ có các yếu tố: có ý thức học tập (không lười), năng lực tiếp thu (không tồi), gia đình có điều kiện kinh tế (không nghèo). Một thí sinh có nền tảng như vậy thì việc học tập và cơ hội công việc sau khi ra trường sẽ không tệ. Có được những thí sinh như vậy rất có lợi cho trường.
Tuy nhiên, theo thầy Ngọc, ở cấp độ vĩ mô, xét trên lợi ích chung của xã hội thì việc đổ xô đi học và thi chứng chỉ IELTS không hẳn có lợi. Nó có phần giống với cái "trend" du học tự túc quãng 5-10 năm trước. Lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc cộng gộp lại là rất khổng lồ. IELTS chỉ nên là 1 trong các tiêu chí để xét tuyển với tỷ lệ hạn chế và cho một số ngành học nhất định, có nhiều đặc điểm phù hợp, hơn là mở rộng một cách tràn lan.
Đại diện các trường đại học nói gì?
Trong khi đó, đại diện các trường đại học lý giải đây là một trong những phương thức nhằm tuyển chọn thí sinh chất lượng cao.
Các trường đại học lý giải ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL iBT, TOEIC, ACT vì muốn chủ động hội nhập quốc tế. Mặt khác đây là sự đa dạng trong tuyển sinh. Các trường đang tìm những phương thức khác để khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn tính phân loại mạnh thì các trường vẫn sẵn sàng trong việc tuyển sinh. Hơn nữa, để tốt nghiệp ở nhiều trường bắt buộc sinh viên phải có khả năng ngoại ngữ tốt.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho hay các trường đại học ưu ái cho thí sinh theo học chương trình bổ sung tiếng Anh vì việc xét này có nhiều ưu điểm. Đầu tiên, đây là những thí sinh thực sự có hiểu biết về ngành nghề, cơ hội việc làm và các chương trình trong trường đại học. Mặt khác, do được học tiếng Anh từ nhỏ nên khi vào đại học, các thí sinh có cơ hội tiếp cận tài liệu, giao tiếp và có cơ hội hội nhập cao hơn.
Về việc “ưu ái” thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ có khiến thí sinh khác không có điều kiện tiếp xúc học tiếng Anh thiệt thòi, ông Sơn cho rằng, điều này là có nhưng không nhiều vì chủ yếu các thí sinh ở vùng xa. Tuy nhiên theo ông Sơn, những thí sinh như vậy vẫn có nhiều cơ hội để xét tuyển bằng cách khác và các em vẫn phải học tập tốt tiếng Anh vì đây ngôn ngữ thứ hai.
“Nếu thí sinh không học tập tiếng Anh tốt là không thể ra trường khi sắp tốt nghiệp vì các trường đại học đã đặt ra tiêu chí cho sinh viên phải đạt ngoại ngữ, nhất là môn tiếng Anh, phải đạt mức 3 trong khung năng lực 6 bậc do Bộ GD-ĐT quy định hay có chứng chỉ quốc tế như TOEIC, TOEFL, IELTS…Điều này bắt buộc các sinh viên nếu chưa có tiếng Anh đầu vào thì cũng phải học để có đầu ra”- ông Sơn nói.
Cùng trao đổi về vấn đề này, PGS TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, về bản chất, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được dùng thay cho điểm thi môn tiếng Anh trong những tổ hợp có môn này. Tuy vậy, chứng chỉ quốc tế có uy tín và chất lượng cao hơn.
Tại Đại học Kinh tế Quốc dân, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế xuất hiện tại hai nhóm trong đề án xét tuyển riêng, chiếm khoảng 25-35% tổng chỉ tiêu. Thí sinh có thể sử dụng IELTS, TOEFL, TOEIC kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực hoặc với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trước lo ngại dùng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tạo bất bình đẳng giữa thí sinh nông thôn và thành thị, ông Triệu không đồng tình. Bởi theo ông, khi đã có chứng chỉ, nếu phải dự thi, điểm thi môn tiếng Anh của những thí sinh này cũng thường rất cao. Do đó, việc sử dụng hay loại bỏ chứng chỉ khi xét tuyển không làm thay đổi nhiều tổng điểm theo tổ hợp của những thí sinh giỏi ngoại ngữ. Mặt khác, thí sinh nông thôn đã được cộng điểm ưu tiên theo các khoản khác của quy chế tuyển sinh.
HM (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.