Lo ‘trở tay không kịp’ trước giờ mở bay quốc tế khi vẫn chưa có đủ hướng dẫn
Các hãng hàng không đều sẵn sàng bay quốc tế thường lệ trở lại từ 1/1/2022, sau gần 2 năm đóng cửa. Tuy nhiên, nếu không gấp rút tổ chức hợp lý các quy trình, thủ tục, quy trình hướng dẫn liên quan đến phòng dịch, xuất nhập cảnh… thì ngành hàng không và khách bay sẽ "lĩnh đủ" phiền toái, tốn kém.
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là các hãng hàng không Việt Nam sẽ bay quốc tế trở lại. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm các chuyến bay giải cứu, bay charter, thí điểm đón khách quốc tế, nhiều chuyên gia cho rằng còn một số vấn đề cần được giải quyết rốt ráo.
Lo từ ứng dụng phòng dịch đến thủ tục bay quốc tế
Liên quan đến thủ tục bay cũng như quy trình phối hợp giám sát phòng chống dịch, hiện vẫn còn nhiều việc cần giải quyết, tránh trường hợp các chuyến bay tuy còn ít nhưng vẫn chậm như thời gian đầu thí điểm mở lại đường bay nội địa.
Thứ nhất, theo các chuyên gia hàng không, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao cần sớm thỏa thuận loại vắc xin đã tiêm nào được cả hai bên chấp nhận. Tiếp đó, cần thống nhất mẫu chứng nhận đã tiêm đủ hai mũi vắc xin với cơ quan ngoại giao của 9 quốc gia, vùng lãnh thổ kết nối mở bay quốc tế.
Trong nước, Bộ Y tế cần có mẫu chung chứng nhận cho những người đã tiêm vắc xin. Nhiều người đã tiêm, đã có giấy xác nhận của cơ sở y tế, được cấp giấy chứng nhận tiêm với những mẫu khác nhau nhưng chưa được cập nhật hết lên ứng dụng (app) PC COVID.
Do đó, app PC COVID phải được cập nhật đầy đủ, kể cả các thông tin chuyên ngành hàng không và vận hành trơn tru, không để xảy ra lỗi. Ngoài ra, ứng dụng cũng cần được quốc tế hóa (cả ngôn ngữ - song ngữ, thông tin khai báo bắt buộc đối với ngành hàng không và của cơ quan y tế, ngoại giao hai nước,... ). Đồng thời, có phiên bản website và phương án dự phòng xử lý online.
Hiện nay, các hãng hàng không đều có hệ thống check-in tiên tiến, nên cho phép khách khai báo và liên thông dữ liệu hai chiều với PC COVID, nhất là các chuyến bay quốc tế. Nếu xảy ra lỗi như vừa qua, không chỉ khách bay, các cảng hàng không và các hãng hàng không bị làm khó mà uy tín của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, để giải quyết dứt điểm việc này, đơn vị quản lý vận hành app PC COVID phải chịu trách nhiệm và phải bị chế tài nếu để xảy ra treo, lỗi hoặc cập nhật chậm.
Thứ hai, vấn đề quản lý di chuyển nội địa sau khi nhập cảnh cài ứng dụng nào cũng cần phải sớm thống nhất. Trong công văn hướng dẫn mới đây, Bộ Y tế yêu cầu người nhập cảnh phải cài ứng dụng PC COVID, trong khi chúng ta chưa từng test thử nghiệm nếu hàng ngày có hàng trăm ngàn lượt tải ứng dụng thì hệ thống có bị treo không. Được biết Bộ Công an đang có kế hoạch áp dụng ứng dụng Igo.vn để quản lý, giám sát di biến động của người nhập cảnh. Các Bộ cần có thống nhất, tránh gây bất nhất, phiền hà cho khách nhập cảnh.
Thứ ba, ở chiều nước ngoài, đề nghị Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quán hướng dẫn để kiều bào và khách ngoại quốc khai báo online, chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính, chứng nhận vaccine cho khách mà không thu phí và không phải 'xin' chứng nhận.
Thứ tư, việc chứng nhận xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trước khi bay cần phải có mẫu chung, được các quốc gia thống nhất sử dụng và cũng cần phải online.
Chờ đến bao giờ mới công bố lịch bay?
Vấn đề đặc biệt quan trọng nữa là Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần sớm phân bổ số lượng chuyến bay trên từng đường bay quốc tế cho các hãng hàng không Việt. Đến giờ này, Bộ vẫn chưa phân bổ chuyến bay cho các hãng là quá chậm, vì các hãng cần cả tháng để chuẩn bị nhân sự, công bố lịch bay, tính toán mức giá vé và cũng để khách chủ động lên kế hoạch đi lại, đặt mua vé.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, PGS-TS. Nguyễn Thiện Tống cho rằng, chúng ta đã có bài học và phải trả giá vì chậm công bố, phân bổ số lượng chuyến bay cho các hãng hồi tháng 10 năm nay (khi mở bay thương mại nội địa định kỳ). Cận đến ngày bay, Bộ GTVT mới phân bổ số lượng chuyến bay khiến hãng hàng không và khách bay "trở tay không kịp".
Đây là lý do dẫn đến nhiều chuyến bay bị hủy vì hãng không kịp chuẩn bị, hành khách cũng bị động. Hậu quả, tỷ lệ lấp đầy ghế chỉ 30-50%, khiến các hãng hàng không vốn đã khó khăn lại càng khó.
Trong khi đó, với việc mở đường bay thương mại quốc tế định kỳ, công tác chuẩn bị phức tạp, mất thời gian hơn rất nhiều. Đây không chỉ là chuyện chuẩn bị của các hãng, của ngành hàng không mà là chuyện phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan giữa hai nước và của chính phủ hai quốc gia.
Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, lần mở bay quốc tế này thực hiện theo nguyên tắc "có đi có lại" hoặc "đối đẳng"' nên số chuyến bay của Việt Nam phải tương ứng với số chuyến của hãng bay nước ngoài được phép bay đến Việt Nam. Đó là chưa kể, với một số nước, Việt Nam đang ở "chiếu dưới" khi đàm phán mở bay quốc tế, vì dịch ở nước ta đang bùng phát. Không phải nước nào cũng muốn mở lại đường bay với Việt Nam vào thời điểm này.
Nếu các bộ, ngành vẫn chậm trễ, không gấp rút triển khai xử lý các quy trình, thủ tục liên quan đến phòng dịch, xuất nhập cảnh,... thì nguy cơ hãng hàng không và hành khách sẽ gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, các cảng hàng không quốc tế Việt sẽ rất dễ bị ùn ứ, tăng nguy cơ lây nhiễm. Bởi, ngoài các chuyến bay quốc tế định kỳ từ 1/1/2022, số lượng các chuyến bay nội địa đã và sẽ còn tăng cao dịp cao điểm cuối năm và Tết.
Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các nước trên thế giới và đặc biệt là các quốc gia lân cận trong khu vực (Thái Lan, Singapore, Campuchia,...) đang đẩy mạnh các thu hút khách quốc tế, Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng Việt Nam rất cần mở rộng các chính sách để thu hút khách vào Việt Nam, tránh bị tụt hậu, mất thị trường, mất lợi thế cạnh tranh về du lịch, điểm dến.
HM (T/h)Đại diện UOB cho biết, 70% tỷ lệ người khảo sát ở Việt Nam tin tưởng vào triển vọng kinh tế của đất nước, cao hơn 18 điểm phần trăm so với mức trung bình của khu vực.