Loại bỏ những vướng mắc trong phát triển nhà ở cho công nhân
Hiện cả nước mới có khoảng 2,5 triệu m2 nhà ở cho công nhân, đủ bố trí cho khoảng 330.000 người, con số này vẫn còn rất thấp so với nhu cầu của hàng chục triệu công nhân. Trong thời gian tới cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy loại hình nhà ở công nhân phát triển mạnh.
Phát triển nhà ở cho công nhân tại các KCN chưa đạt yêu cầu
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Việt Nam hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp, từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tuy nhiên, các khu công nghiệp chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất, chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội. Nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp còn thiếu, nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội như: nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám… chưa được đầu tư, xây dựng.
Hiện nay, Việt Nam có trên 16 triệu công nhân, hàng năm đang trực tiếp sản xuất, tạo ra trên 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách Nhà nước. Là lực lượng có đóng góp lớn cho xã hội, nhưng đời sống người lao động còn nhiều khó khăn, nhiều khu công nghiệp chưa có nhà ở cho công nhân. Nhiều công nhân buộc phải thuê trọ ở nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, những khu nhà ở này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh.
Tại Tọa đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân - Thực trạng và giải pháp”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết, tính đến năm 2020, cả nước đã dành khoảng 600 ha đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha; trong đó, đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án với diện tích đất hơn 350 ha. Như vậy, việc dành quỹ đất làm nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.
Mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên các chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư, vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở).
Kiến nghị nhiều giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân
Để tìm giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, theo PGS.TS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), đó là cần đưa ra một hệ thống giải pháp tổng hợp, đa ngành, cụ thể là, đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, cần bổ sung gói tín dụng cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, góp phần bảo đảm “mục tiêu kép”; bảo đảm an sinh xã hội, nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân); thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.
“Các tỉnh, thành phố khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó”, PGS.TS Lưu Đức Cường nêu quan điểm.
Từ góc độ là nhà quản lý, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Xây dựng) nêu quan điểm: Cần phải đặt vai trò của người lao động lên ưu tiên hàng đầu bởi công nhân là lực lượng sản xuất chính, nòng cốt đối với nền kinh tế. Vì vậy, công tác chăm lo cho đời sống công nhân, cũng như xây dựng nhà ở an sinh xã hội là cực kỳ quan trọng, không chỉ với doanh nghiệp mà còn đối với cả xã hội.
“Vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Chỉ khi Nhà nước và doanh nghiệp nhất quán mới có thể giải quyết được những điểm nghẽn, khó khăn trong phát triển nhà ở công nhân hiện nay. Quan trọng không kém là sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật như đất đai, nhà ở, lao động, quy hoạch… để đảm bảo người lao động được hưởng thành quả. Chúng ta không nên đề cao lợi nhuận, cần phải ưu tiên những giá trị cốt lõi phục vụ cho xã hội, chính là xây dựng nhà ở để công nhân lao động an tâm sản xuất”, ông Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh.
HM (t/h)Quý III/2024, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%.