Loạt chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 6/2024
Một loạt chính sách liên quan đến kinh tế như: Quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện; bổ sung trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi Giấy phép… sẽ chính thức có hiệu từ tháng 6 năm 2024.
Sửa điều kiện vay vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chính phủ ban hành Nghị định 45/2024/NĐ-CP ngày 26/4/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về nguyên tắc cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quỹ), Điều 15 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP quy định: Hoạt động cho vay của Quỹ được thực hiện theo thỏa thuận giữa Quỹ và doanh nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp với quy định tại Nghị định này; Doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn của Quỹ phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn đã thỏa thuận với Quỹ; Đồng tiền cho vay, trả nợ là đồng Việt Nam.
Ngoài 3 nguyên tắc trên, Nghị định 45/2024/NĐ-CP bổ sung thêm nguyên tắc: Doanh nghiệp đã được vay vốn của Quỹ được xem xét cho vay đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh mới từ nguồn vốn của Quỹ nếu doanh nghiệp đã hoàn trả hết nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn.
Nguyên tắc này nhằm hạn chế một doanh nghiệp trong cùng một giai đoạn vay vốn dàn trải cho nhiều dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Đồng thời, sau khi doanh nghiệp hoàn trả hết sẽ đủ cơ sở đánh giá kết quả, hiệu quả, khả năng và nhu cầu thực sự hỗ trợ lần tiếp theo. Bên cạnh đó, Nghị định 45/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung về khoản 1, 2, 3 Điều 16 về điều kiện vay vốn.
Nghị định 45/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/6/2024.
Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm
Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP ngày 24/4/2024 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Trong đó, Nghị định 44/2024/NĐ-CP quy định chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là việc Nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ cho tổ chức theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng. Phạm vi tài sản được chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hoặc một phần tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thu phí sử dụng đường bộ theo quy định của pháp luật (trừ phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí).
Việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không áp dụng đối với: Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.
Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác định cụ thể trong từng hợp đồng chuyển nhượng nhưng tối đa là 10 năm, phù hợp với từng tài sản (một phần tài sản) kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 44/2024/NĐ-CP phê duyệt tại Quyết định phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản.
Nghị định 44/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/6/2024.
Bổ sung trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi Giấy phép
Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. So với Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Nghị định 41/2024/NĐ-CP mới ban hành đã bổ sung thêm trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.
Theo đó, nhà xe sẽ bị thu hồi giấy phép nếu không kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên giấy phép kinh doanh trong thời hạn từ 6 tháng trở lên, kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên giấy phép kinh doanh trong thời gian 6 tháng liên tục trở lên; không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, trong thời gian 1 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu cũng sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.
Nghị định 41/2024 cũng quy định khi cơ quan cấp giấy phép kinh doanh ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh đối với loại hình kinh doanh vận tải có vi phạm, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu cho cơ quan cấp giấy phép kinh doanh, đồng thời dừng hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi.
Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu theo đúng quyết định thu hồi, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh chỉ cấp lại giấy phép này sau thời gian 30 ngày (hoặc 60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục).
Trường hợp quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh mà đơn vị kinh doanh vận tải không nộp giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu hoặc có nộp nhưng không đủ theo quyết định thu hồi, Sở Giao thông Vận tải chỉ cấp lại giấy phép kinh doanh sau thời gian 45 ngày (hoặc 90 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại đủ giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu theo quyết định thu hồi.
Sau khi có quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu mà đơn vị kinh doanh vận tải xin cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu với lý do bị mất, trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải, Sở Giao thông Vận tải không thực hiện cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu.
Nghị định số 41/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/6/2024.
Ô tô được miễn kiểm định lần đầu vẫn phải nộp tiền lập hồ sơ:
Thông tư 11/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải có hiệu từ ngày 15/6/2024 về giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới.
Theo đó, các phương tiện được miễn kiểm định lần đầu vẫn phải lập hồ sơ phương tiện với mức giá dịch vụ như sau:
Giá lập hồ sơ với xe miễn kiểm định lần đầu: 46.00 đồng/xe; Giá dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định: 23.000 đồng/lần/xe. Trong đó, giá này đã bao gồm chi phí tổ chức thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng chưa bao gồm thuế VAT.
Đặc biệt, tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ này phải thanh toán giá dịch vụ cho đơn vị đăng kiểm theo mức giá ở trên.
Quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BCT ngày 12/04/2024 về quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện.
Thông tư áp dụng đối với Nhà máy điện hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đấu nối với hệ thống điện quốc gia; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Không áp dụng đối với các đối tượng sau: Nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu, nhà máy thủy điện nhỏ áp dụng biểu giá chi phí tránh được, nhà máy điện độc lập được đầu tư theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), nhà máy điện và tổ máy cung cấp dịch vụ phụ trợ; nhà máy điện áp dụng cơ chế giá mua điện tại các văn bản của cấp có thẩm quyền.
Nguyên tắc xác định giá phát điện của nhà máy điện được xây dựng trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ của chủ đầu tư trong toàn bộ đời sống kinh tế dự án; và tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) không vượt quá 12%.
Theo quy định, giá phát điện của nhà máy điện, bao gồm (1) Giá hợp đồng mua bán điện; (2) Giá đấu nối đặc thù (nếu có) do bên mua-bán thoả thuận theo phương pháp được quy định tại Thông tư này. Giá phát điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tiền dịch vụ môi trường rừng, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn và đối với nước thải công nghiệp (áp dụng đối với nhà máy nhiệt điện) và các khoản thuế, phí, các khoản thu bằng tiền khác theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (trừ các khoản thuế, phí đã được tính trong phương án giá phát điện).
Giá hợp đồng mua bán điện Năm cơ sở không vượt quá khung giá phát điện Năm cơ sở của nhà máy điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, trong đó giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy điện để so với khung giá phát điện Năm cơ sở được tính toán trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng với thành phần chi phí tính toán khung giá phát điện.
Trường hợp năm cơ sở của nhà máy điện không có khung giá phát điện, giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy điện được tính toán quy đổi trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng để so với khung giá phát điện của năm gần nhất của loại hình nhà máy điện đó.
Thông tư cũng quy định phương pháp xác định giá hợp đồng mua bán điện Năm cơ sở của nhà máy điện; phương pháp xác định giá cố định bình quân của nhà máy điện; phương pháp xác định giá vận hành và bảo dưỡng của nhà máy điện; phương pháp xác định giá biến đổi của nhà máy nhiệt điện; phương pháp xác định giá đấu nối đặc thù; phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện đối với các nhà máy điện chưa có cơ chế giá mua điện do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Công Thương quy định; giá tạm thời; phương pháp xác định giá phát điện đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhưng chưa có giá phát điện chính thức.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng hướng dẫn phương pháp xác định giá phát điện của các nhà máy đã vân hành thương mại; phương pháp xác định giá hợp đồng mua bán điện theo từng năm của hợp đồng; quy định về kiểm tra hợp đồng mua bán điện và trách nhiệm của các bên liên quan.
Thông tư số 07/2024/TT-BCT có hiệu lực từ 1/6/2024.
Huyền My (t/h)Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, cả 2 lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa đều tăng trưởng ấn tượng, vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng trưởng 2 con số.