Loạt chính sách mới liên quan đến kinh tế có hiệu lực từ tháng 9/2023

Chính sách
09:17 AM 29/08/2023

Nhiều chính sách mới về kinh tế như quy định mới về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt; hướng dẫn sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… sẽ có hiệu lực chính thức từ tháng 9/2023.

Quy định mới về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 14/2023/TT-BGTVT ngày 30-6-2023 quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, di chuyển phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp đặc biệt.

Loạt chính sách mới liên quan đến kinh tế có hiệu lực từ tháng 9/2023 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Thông tư 14/2023/TT-BGTVT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện được quy định như sau:

Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, trừ trường hợp theo quy định (2) dưới đây.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị nêu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện trên đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị theo quy định của Thông tư này.

Thông tư nêu rõ, trường hợp không cấp, không cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu và nêu rõ lý do.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/9/2023.

Bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, Thông tư bổ sung Mục 3 Chương II hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử.

Loạt chính sách mới liên quan đến kinh tế có hiệu lực từ tháng 9/2023 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Thông tư quy định, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, đặc điểm của khoản vay, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, giao dịch điện tử, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quản lý rủi ro và các văn bản pháp luật có liên quan.

Hệ thống thông tin thực hiện hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử phải tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên theo quy định của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Tổ chức tín dụng phải lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, bảo mật và được sao lưu dự phòng đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của hồ sơ cho phép truy cập, sử dụng khi cần thiết hoặc để phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Tổ chức tín dụng tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu sau:

Có giải pháp, công nghệ kỹ thuật đảm bảo tính chính xác, bảo mật, an toàn trong quá trình thu thập, sử dụng, kiểm tra thông tin, dữ liệu;

Có biện pháp kiểm tra, đối chiếu, cập nhật, xác minh thông tin, dữ liệu; có biện pháp ngăn chặn các hành vi giả mạo, can thiệp, chỉnh sửa làm sai lệch thông tin, dữ liệu;

Có biện pháp theo dõi, nhận dạng, đo lường và kiểm soát rủi ro; có phương án xử lý rủi ro;

Phân công trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, bộ phận có liên quan trong hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử và trong việc quản lý, giám sát rủi ro.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2023.

Hướng dẫn sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 52/2023/TT-BTC ngày 8/8/2023 hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Loạt chính sách mới liên quan đến kinh tế có hiệu lực từ tháng 9/2023 - Ảnh 3.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Thông tư, đối tượng áp dụng là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng các quy định tại Chương II Nghị định số 80/2021/NĐ-CP về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kinh phí thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Thông tư này bao gồm: Nguồn ngân sách Nhà nước chi thường xuyên, bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách; nguồn đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài ngân sách Nhà nước.

Đối với nguồn ngân sách Nhà nước: Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện thông qua dự toán ngân sách Nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quy trình lập, quyết định, giao dự toán, chấp hành và kế toán, kiểm toán, quyết toán ngân sách Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng, nội dung chi, định mức chi, mức hỗ trợ và nguyên tắc thực hiện hỗ trợ quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, hướng dẫn tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Việc hỗ trợ căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực và định hướng ưu tiên hỗ trợ trong từng thời kỳ của ngân sách Nhà nước hằng năm.

Đối với nguồn đóng góp, tài trợ: Việc huy động, quản lý, thanh quyết toán kinh phí phải tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp có thỏa thuận với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về việc sử dụng khoản đóng góp, tài trợ chi trả cho phần ngân sách nhà nước hỗ trợ thì thực hiện theo đúng thỏa thuận.

Nguyên tắc xác định chi phí như sau: Đối với nội dung chi có quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức tại các văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm quyền ban hành thì xác định chi phí theo đúng chế độ quy định.

Đối với nội dung chi chưa có quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức: Xác định chi phí căn cứ trường hợp cụ thể, tính chất, phạm vi và các yếu tố liên quan, có tham khảo chi phí tương tự đã thực hiện trong thời hạn 12 tháng (nếu có) tính đến thời điểm xác định chi phí.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/9/2023.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.