Loạt cổ phiếu blue-chips "đẩy" VN-Index về sát đáy 2 tháng
VN-Index đã mất ngưỡng 1250 điểm, thủng đáy ngắn hạn tháng 10 và lùi xuống sát đáy tháng 9/2024. Việc này có sự góp phần của loạt cổ phiếu vốn hóa lớn blue-chips.
Kết phiên 4/11, VN Index giảm 10,18 điểm (0,81%) xuống còn 1.244,7 điểm. Việc VN-Index mất mốc 1250 điểm và xuống dưới vùng đáy ngắn hạn tuần trước xác nhận đà giảm tiếp tục. Hiện chỉ số này chỉ còn cách đáy tháng 9/2024 hơn 6 điểm.
Áp lực bán tháo xuất hiện ở tất cả các nhóm ngành, từ ngân hàng, bất động sản, đầu tư công, bán lẻ cho tới thép, dầu khí… Ở những phút cuối, nhóm ngành chứng khoán có sự hồi phục nhẹ nhờ lực cầu bắt đáy.
Toàn sàn HoSE có 287 mã giảm, 93 mã tăng và 59 mã đi ngang. Trong 286 mã đỏ, có tới 145 mã giảm quá 1% và số này chiếm 59,1% tổng giá trị khớp cả sàn. Đã vậy nhóm này hầu hết “nằm bẹp” ở giá thấp nhất phiên sáng hoặc chỉ chênh 1-2 bước giá. Nói cách khác, hầu như vắng bóng khối lượng mua vào chủ động đặt giá cao hơn để khớp vào dư bán.
Sắc đỏ cũng hiện diện dày đặc trên bảng điện VN30. Theo đó, VN30-Index giảm 0,92% với 5 mã tăng/24 mã giảm và toàn bộ 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất đều thuộc rổ blue-chips này. Dẫn đầu đang là VPB giảm 2,48%, VHM giảm 1,69%, GVR giảm 2,32%, FPT giảm 1,19%, MWG giảm 1,82%. Trong số này có 3 mã thuộc top 10 vốn hóa của chỉ số. Cả rổ VN30 có 12 mã đang giảm quá 1% so với tham chiếu.
Dòng tiền bắt đáy ở nhóm blue-chips rất yếu ớt, phần lớn là các lệnh treo mua chờ đợi. Đại đa số cổ phiếu đang chốt ở mức giá bằng hoặc sát giá thấp nhất phiên. STB, TPB là có biên độ hồi đáng kể nhất: STB đảo chiều khoảng 1,15% so với giá đáy và đã vượt được tham chiếu 0,14%. TPB hồi lại 1,21%, còn giảm 2,05% so với tham chiếu. Những cổ phiếu còn lại chỉ hồi 1-2 bước giá không đáng kể.
Thanh khoản trong rổ VN30 cũng tăng xấp xỉ 40% so với sáng phiên trước, đạt hơn 3.145 tỷ đồng. Tiếc rằng các mã thanh khoản hàng đầu của rổ này đều rơi giá sâu như VHM, MWG, VPB, TPB, FPT, MSN, HPG, SSI… Điều này cho thấy áp lực bán đang vượt trội hoàn toàn.
Nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) cũng khiến thị trường thêm "u ám" khi bán ròng 280 tỷ trên HoSE và gần 17 tỷ trên hai sàn còn lại. VHM bị xả lớn nhất -82,8 tỷ đồng; MSN -47,8 tỷ, FPT -45 tỷ, DXG -31,2 tỷ. Bên mua có MWG +48,2 tỷ, STB +28,9 tỷ. Đây là phiên sáng thứ 8 liên tiếp khối này bán ròng.
Tuần trước, khối này cũng xác lập kỷ lục bán ròng tính theo tuần với -7.658 tỷ do có hai giao dịch thỏa thuận cực lớn với VIB và MSN. Với các giao dịch khớp lệnh, mức bán ròng nhẹ hơn, khoảng 1.357 tỷ đồng.
Minh AnDự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.