Loạt dự án giao thông qua 4 tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ

Tài chính - Đầu tư
01:05 PM 04/03/2022

Thời gian tới, hàng loạt dự án giao thông hàng nghìn tỷ đồng đi qua 4 tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ sẽ được triển khai. Các dự án này được kỳ vọng thúc đẩy phát triển các địa phương và tạo ra sự phát triển chung cho cả vùng kinh tế quan trọng nhất nhì của cả nước.

4 tỉnh thành Đông Nam Bộ gồm có TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu. 4 tỉnh thành đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp khoảng 22,3% vào tổng sản phẩm quốc nội, nộp gần 27% vào ngân sách quốc gia, thu hút gần 34% dự án đầu tư nước ngoài của cả nước trong năm vừa qua.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai được biết đến là trung tâm công nghiệp của miền Nam. Còn Bà Rịa – Vũng Tàu có cảng Cái Mép - Thị Vải - dự kiến sẽ trở thành "siêu cảng" ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ lên kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Loạt các dự án tiêu biểu đó là Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, cầu Phước An và mở rộng cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Đây là những dự án giao thông lớn được thực hiện với kỳ vọng tạo kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối các khu công nghiệp từ Bình Dương qua Đồng Nai đến cụm cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là trục giao thông quan trọng bậc nhất trong kết nối vùng Đông Nam Bộ. Dự án có mức đầu tư giai đoạn 1 là 17.837 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Dự án có điểm đầu tại Km0 000 kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP. Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại Km53 700 giao với quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng chiều dài tuyến đường hơn 53 km, trong đó đoạn qua TP. Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai dài 34,2 km; đoạn qua thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5 km.

Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh dài hơn 90km đi qua các tỉnh quan trọng với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 ước tính hơn 85.400 tỷ đồng. Cụ thể, đường Vành đai 3 gồm 4 đoạn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Trong đó, đoạn đi qua TP. Hồ Chí Minh dài 47,62 km; đoạn qua Bình Dương dài 25,93 km; đoạn qua Đồng Nai dài 11,3 km và đoạn qua Long An dài 6,8 km.

Dự án cầu Phước An nối tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải nối đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải đến đường vào cảng Phước An thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Dự án được đầu tư 4.879 tỷ đồng và dự kiến khởi công vào quý 3 năm nay.

Dự có tổng chiều dài là 4,3km, trong đó phần cầu vượt sông Thị Vải dài 3,5 km, đường dẫn trên tuyến 248 m, đường dẫn kết nối với đường xuống cảng Phước An dài khoảng 605 m và hoàn chỉnh phạm vi nút giao với đường vào cảng Phước An. Phần cầu dẫn có chiều rộng 23,5 m, cầu chính rộng 27 m.

Dự án mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài khoảng 23,76km với tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh chưa gồm lãi vay là khoảng 16.379 tỷ đồng. Dự án dự kiến thực hiện sau 5 năm kể từ khi hiệp định vay cho dự án có hiệu lực (từ năm 2021 đến năm 2025).

Tuyến đường được đề xuất đầu tư mở rộng có điểm đầu (Km0 800) tại vị trí sau nút giao An Phú, thuộc phường An Phú, TP. Thủ Đức đến điểm cuối (Km24 558) tại vị trí giao dự kiến với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, thuộc thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Khi các dự án này hoàn thành, kinh tế 4 tỉnh Đồng Nam Bộ sẽ có sự đồng bộ và liên kết chặt chẽ, giúp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng toàn vùng. Bên cạnh đó, chính quyền các tỉnh, thành phố kỳ vọng Đông Nam Bộ giữ vững là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước.

Văn Minh
Ý kiến của bạn