Loạt ngân hàng lãi dự thu tăng mạnh như... nợ xấu

Ngân hàng
01:00 PM 03/11/2020

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, lãi dự thu nhiều ngân hàng tăng nhanh. Thậm chí, có ngân hàng lãi dự thu tăng 92% đến trên 35% so với cùng kỳ năm trước.

Loạt ngân hàng lãi dự thu tăng mạnh như... nợ xấu

Lãi, phí phải thu (hay lãi dự thu) còn được xem như một nguồn lãi ảo của các ngân hàng vì có thể được ghi nhận vào lợi nhuận khi trên thực tế chưa có tiền thu về. Với con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của các nhà băng lại càng cao, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ cũng có thể khiến lợi nhuận tăng vọt.

Đây cũng là một "khối u" nhức nhối không kém gì nợ xấu. Với khoản lãi dự thu lớn cho thấy chất lượng tài sản của ngân hàng đang kém dần ảnh hưởng đến việc đánh giá xếp hạng và áp dụng các chuẩn mực quốc tế.

Tính đến ngày 2/11 đã có khoảng 26 ngân hàng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020. Trong 9 tháng đầu năm, khoản "lãi dự thu" tại các ngân hàng không biến động nhiều, thậm chí gần nửa ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính lại cho thấy xu hướng giảm. Tuy nhiên, vẫn có ngân hàng ghi nhận con số tăng đột biến.

Loạt ngân hàng lãi dự thu tăng mạnh như... nợ xấu - Ảnh 1.

Đơn vị tính: tỷ đồng

Điển hình tại VietBank trong 9 tháng đầu năm, lãi dự thu tăng vọt 50% so với cuối năm trước, lên mức 2.406 tỷ đồng.

Cùng diễn biến, lãi dự thu tại VietABank tăng 47%, lên mức 4.596 tỷ đồng. Tại Saigonbank, lãi dự thu cũng tăng 35% so với cuối năm trước, lên mức hơn 279 tỷ đồng.

Ở những ngân hàng quy mô lớn hơn cũng ghi nhận lãi dự thu tăng mạnh.

Cụ thể tại Nam A Bank, lãi dự thu trong 9 tháng đầu năm tăng vọt 92% so với cuối năm trước, đạt 2.529 tỷ đồng; Tiếp theo là SHB với lãi dự thu đạt 13.206 tỷ đồng, tăng vọt 64% so với cuối năm 2019. Hay tại LienVietPostBank lãi dự thu cũng tăng 41% lên mức 6.024 tỷ đồng. TPBank cũng ghi nhận đạt 1.821 tỷ đồng, tăng 39% so với cuối năm trước.

Hai "ông lớn" Techcombank và MB cũng ghi nhận mức độ tăng lãi dự thu tuy chậm hơn song cũng chiếm tỷ trọng lớn. Tại Techcombank đạt 5.988 tỷ đồng, tương đương tăng 8%; tại MB đạt 4.033 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2019.

Ngoài ra, 9 tháng qua, còn nhiều ngân hàng tăng lãi dự thu như Vietinbank tăng 11%, VIB tăng 18%, OCB tăng 12%, KienLongBank tăng 2%. Như vậy, 9 tháng đầu năm 2020, Nam A Bank là nhà băng tăng trưởng mạnh nhất 92% so với cuối năm trước với 2.529  đồng.

Loạt ngân hàng lãi dự thu tăng mạnh như... nợ xấu - Ảnh 2.

Đơn vị tính: tỷ đồng. Ảnh: Tổng hợp từ BCTC.

Trên thực tế, lãi dự thu liên quan mật thiết đến lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng và cả nợ xấu thực. Một chuyên gia ngành ngân hàng khẳng định, trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai, mà chính là nợ xấu tiềm ẩn.

Theo nguyên tắc thận trọng thì ngân hàng chỉ tính lãi dự thu cho nợ nhóm 1. Bởi các khoản nợ khi bắt đầu chuyển sang nhóm 2 trở đi sẽ xuất hiện rủi ro về khả năng thu hồi. Do đó, ngân hàng phải ngưng dự thu lãi nếu nợ đó quá hạn 10 ngày, hay bắt đầu chuyển sang nợ nhóm 2.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ngân hàng nào cũng tuân thủ đúng theo nguyên tắc này. Bởi một khi chuyển thành nợ xấu, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, khi đó lợi nhuận sẽ bị hao mòn, thậm chí âm.

Nếu vi phạm nguyên tắc này, nghĩa là thay vì chuyển nhóm các khoản nợ nhóm 1 thành nợ quá hạn và nợ xấu đồng thời tăng trích lập dự phòng rủi ro để hạn chế rủi ro về khả năng thu hồi lãi, thì ngân hàng lại hạch toán những khoản lãi từ nợ khó đòi này thành lãi dự thu để tính vào lợi nhuận. Do vậy, lợi nhuận cuối năm có thể không phản ánh đúng thực chất hoạt động kinh doanh, kéo theo nợ xấu thực có thể lớn hơn nhiều so với nợ xấu mà các ngân hàng báo cáo.

Cũng theo BCTC hợp nhất quý III/2020, tổng nợ xấu trong 9 tháng đầu năm của hầu hết các ngân hàng cũng bắt đầu tăng nhanh.

Cụ thể, tính đến ngày 30/9/2020, tổng nợ xấu tại Nam A Bank tăng 47% so với đầu năm, lên mức 1.963 tỷ đồng. Tại SHB, nợ xấu tăng 43% so với đầu năm, đạt gần 7.208 tỷ đồng. Còn tại LienVietPostBank, tổng nợ xấu đến cuối quý 3 là 2.611 tỷ đồng, tăng 29%. Hay tại TPBank, nợ xấu tăng đến 60% so với đầu năm, đạt gần 1.971 tỷ đồng.

Xu hướng tăng nợ xấu còn thể hiện trên các ngân hàng khác như tại Vietcombank tăng 36%, MBB tăng 39%, KienLongBank tăng 555%; VIB tăng 26%; …

Tuy nhiên, đây mới chỉ là nợ xấu nội bảng. Con số nợ xấu thực tế có thể lớn hơn nữa, nhất là nhiều khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, được giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 mà Ngân hàng Nhà nước ban hành hồi đầu năm.       

Hoàng Long
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.