Loạt ngân hàng sắp được nới room tín dụng?
Việc thông báo hạn mức tín dụng đầu năm và điều chỉnh (khi cần thiết) đối với các TCTD được thực hiện theo nguyên tắc, TCTD có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được NHNN xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, BIDV vừa nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng mới là 9,5%, tăng so với mức 7,5% trước đó.
Rất có thể, cùng với BIDV, nhiều ngân hàng khác cũng đã được NHNN cấp room tăng trưởng tín dụng mới trong thời gian này, nhất là khi quý 4 đã đến gần.
Theo các công ty chứng khoán, thông tin các ngân hàng sắp được nới hạn mức tín dụng để có thêm vốn vay cuối năm sẽ hỗ trợ đẩy nhóm cổ phiếu ngành này hồi phục sau khi trải qua 3 tháng điều chỉnh mạnh vừa rồi.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc thông báo hạn mức tín dụng đầu năm và điều chỉnh (khi cần thiết) đối với các TCTD được thực hiện theo nguyên tắc, TCTD có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được NHNN xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, qua đó, thúc đẩy TCTD nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động và các chỉ số an toàn hoạt động.
Bên cạnh đó, NHNN cũng xem xét một số yếu tố như mặt bằng lãi suất huy động, cho vay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và việc thực hiện theo chuẩn mực Base II, đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và NHNN về tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
NHNN cũng giải thích vì sao áp dụng hình thức giao room tín dụng trong những năm trở lại đây. Theo cơ quan quản lý, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thị trường vốn, thị trường chứng khoán có vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do thị trường vốn, thị trường chứng khoán còn chưa phát triển đúng với vai trò, vị thế của mình, nên việc cân đối vốn cho nền kinh tế (đặc biệt là vốn trung dài hạn) vẫn dựa nhiều vào vốn ngân hàng, từ đó luôn tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn), kéo theo sức ép và rủi ro lên hệ thống TCTD.
Hiện nay, tỷ lệ tín dụng/GDP vẫn của Việt Nam hiện vẫn ở mức khá cao và có xu hướng tăng, quy mô tín dụng đã rất lớn (theo như khuyến cáo của Ngân hàng thế giới). Do đó, tăng trưởng tín dụng quá cao không chỉ tiềm ẩn rủi ro bất ổn vĩ mô chung cho nền kinh tế mà còn gia tăng rủi ro đối với từng TCTD, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho ngành ngân hàng sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, dẫn đến những hệ lụy phải xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các TCTD. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn hệ thống, kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, thời gian qua, NHNN kiên định kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng theo hướng đưa ra chỉ tiêu tín dụng định hướng đầu năm và thông báo cho từng TCTD.
Thu ThuỷViệt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 6,6% trong năm 2025, nằm trong nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất châu Á.