Loạt thương hiệu xa xỉ lớn lần lượt mở cửa hàng tại Việt Nam, vì sao người dùng vẫn chọn mua hàng Gucci, Chanel hay Dior trên Facebook, Instagram?
Với nền kinh tế đang phát triển và dân số hơn 97 triệu người, Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn cho thương mại điện tử. Tiềm năng này thực sự bùng nổ vào năm ngoái, được thúc đẩy trong giai đoạn đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Theo báo cáo hồi tháng 1/2021 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), 53% dân số Việt Nam đã tham gia vào hoạt động bán lẻ trực tuyến. Trong khi đó, báo cáo "E-conomy SEA 2020" của Google, Temasek and Bain & Company chỉ ra rằng, thương mại điện tử ở Việt Nam tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ đạt giá trị 52 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.
Tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh là khu vực thúc đẩy chi tiêu ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2012, tầng lớp này tại Việt Nam có 12 triệu người, thì đến năm 2020, con số này đạt 33 triệu người. Đáng chú ý, khi ngày càng có nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu, sự quan tâm đối với các thương hiệu cao cấp lại ngày càng tăng.
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam theo loại dịch vụ từ năm 2015 tới nay và dự báo năm 2021. Đvt: tỷ USD. Nguồn: The Business Times.
Theo ông Robert Trần, Giám đốc điều hành tại Tập đoàn Tư vấn chiến lược RBNC, nhóm thuộc tầng lớp mới còn được gọi là HENRY (High Earners Not Rich Yet - những người có thu nhập cao nhưng chưa giàu), có thu nhập trung bình hàng năm rơi vào khoảng 75.000-100.000 USD.
"Nhóm này cùng với nhóm có thu nhập trên 100.000 USD/năm thường mua sản phẩm từ các thương hiệp cao cấp bằng các đặt hàng trực tiếp, hoặc thông qua người bán hàng với đầy đủ các dịch vụ kèm theo".
Bà Võ Thị Khánh Trang, trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills Việt Nam cho hay, nhiều người đã đi du lịch đến các khu vực lân cận, có những trung tâm mua sắm lớn, chẳng hạn như Hồng Kông và Singapore, chỉ để mua túi Gucci hoặc đồng hồ Rolex. Nhận thấy xu hướng này, những năm gần đây, ngày càng có nhiều thương hiệu xem xét đến thị trường Việt Nam. Gucci, Louis Vuitton và Saint Laurent đã mở cửa hàng tại Việt Nam.
Ảnh: Burberry
Bất chấp sự xuất hiện của các cửa hàng này, kênh mua hàng hiệu qua mạng xã hội vẫn là phương thức phổ biến thứ hai trong hoạt động mua sắm tại Việt Nam. Kết quả này có thể thấy từ việc người Việt Nam dành trung bình 7h/ngày trên internet, chủ yếu là Facebook, YouTube, Zalo và Instagram.
Theo khảo sát năm 2019 của Asia Plus Inc, 89% người tham gia cho rằng Facebook vẫn là nền tảng được ưa chuộng nhất cho hoạt động thương mại điện tử. Theo báo cáo của worldpopulationreview, với hơn 66,7 triệu người dùng vào năm 2020, Việt Nam có số lượng người dùng Facebook lớn thứ 7 trên thế giới.
Tất cả các yếu tố này cho thấy Việt Nam là thị trường lớn cho các nhà bán hàng nhỏ lẻ với những cửa hàng trực tuyến tư nhân. Theo khảo sát của Asia Plus, thời trang và lĩnh vực làm đẹp là hai từ khóa được tìm kiếm và có các sản phẩm được mua trực tuyến nhiều nhất, lần lượt chiếm 55% và 30%.
Người mẫu Phương Oanh trong bộ sưu tập thu đông 2021 của Stella McCartney. Ảnh: Stella McCartney
Bà Hương Nguyễn, sáng lập Ferosh, cửa hàng trực tuyến đầu tiên cung cấp các sản phẩm thời trang thiết kế trực tiếp từ các nhà thiết kế có tên tuổi tại Việt Nam tới các khách hàng, nhận định, nhiều doanh nghiệp trong ngành thời gian bắt đầu với quy mô nhỏ. Bởi vậy, họ dùng mạng xã hội là công cụ tiếp thị đơn giản và rẻ nhất. "Quảng cáo và tiếp thị trong ngành thời trang qua Facebook rất phổ biến".
Thu Hà, 28 tuổi, đã quyết định nghỉ việc để bán các mặt hàng xa xỉ quốc tế thông qua tài khoản cá nhân trên mạng xã hội do chị nhận thấy nhu cầu mua sắm trực tuyến trong nước bùng nổ. Chỉ mất một ít thời gian, chị Hà đã có được những vị khách đầu tiên của mình qua Facebook. Bắt đầu với bạn bè, đồng nghiệp, rồi đến một số thành viên trong các nhóm dành riêng cho việc mua sắm trực tuyến trên Facebook, chị Hà dần có nhiều thêm khách hàng và thậm chí còn có nhiều khách hàng quen.
"Khách hàng mới thì được bạn bè và khách hàng quen của tôi giới thiệu", chị Hà chia sẻ. Khảo sát Asia Plus nêu rõ, quảng cáo trên mạng xã hội và qua giới thiệu của bạn bè là hai phương thức kích thích hàng đầu giúp người tiêu dùng mua hàng trực tuyến.
Một chiếc túi xách hợp tác giữa Gucci x Ken Scoot. Ảnh: Gucci
Hầu hết khách hàng của chị Hà là phụ nữ từ 25 đến 70 tuổi, ưa chuộng các thương hiệu cao cấp như Gucci, Chanel, Dior, Burberry và Louis Vuitton. "Chất lượng cuộc sống đang ngày càng tăng. Nhiều người sẵn sàng bỏ hàng nghìn USD để mua một chiếc túi xách, hoặc một chiếc đồng hồ".
Nhiều khách hàng cho rằng các shop online thường cập nhật theo xu hướng mới và hot nhất, giúp họ dễ dàng theo dõi và mua hàng. Theo nghiên cứu năm 2020 về người tiêu dùng trên Facebook của Bain & Company, khoảng 68% người tiêu dùng trực tuyến khu vực Đông Nam Á - bao gồm cả người Việt Nam, không lên kế hoạch sẽ mua gì trước khi mua sắm. Đáng chú ý, 62% người dùng tìm hiểu các sản phẩm và thương hiệu mới thông qua các nền tảng xã hội.
Một lý do khác khiến nhiều người lựa chọn mạng xã hội hơn các trang web thương hiệu là rào cản về ngôn ngữ và công nghệ, đặc biệt đối với những người tiêu dùng trung niên. Chẳng hạn, Gucci và Louis Vuitton có cửa hàng tại Việt Nam, nhưng trang web và dịch vụ lại dùng toàn bộ bằng tiếng Anh, hay như các thương hiệu khác cũng chỉ cung cấp dịch vụ và bán hàng trực tiếp.
Một ưu điểm khác của các shop kinh doanh trên mạng xã hội chính là khâu chăm sóc khách hàng. "Thông qua trò chuyện, người dùng có thể tìm lời khuyên từ người bán, hoặc được giải đáp các thắc mắc về sản phẩm một cách nhanh chóng. Điều này là lợi thế so với thông tin cơ bản được đăng tải trên các web của thương hiệu hoặc nền tảng thương mại điện tử", một người dùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, mua các sản phẩm qua mạng xã hội thường đi kèm với "giá hời". Theo Trần Phương, một người bán mỹ phẩm, một trong những lợi ích chính là việc người bán săn lùng để tìm được giá tốt nhất. Khách hàng cũng có thể trả giá.
BST xuân hè 2021 của Louis Vuitton. Ảnh: Louis Vuitton
Nhìn chung, chi phí giao hàng từ các cửa hàng này thường thấp hơn nhiều so với một trang web thương hiệu. Nhiều cửa hàng cũng cung cấp các phương thức thanh toán linh hoạt, cho phép khách hàng thanh toán tiền mặt. Điều này cũng phù hợp với thói quen mua sắm của những khách hàng lớn tuổi.
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ. Báo cáo do iPrice Group và App Annie thực hiện cho thấy, tổng lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam trong quý 2/2020 đạt 12,7 tỷ lượt, cao nhất từ trước đến nay và tăng 43% so với quý 1/2020. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mức chi tiêu bình quân cho mua sắm trực tuyến của người Việt Nam tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Đổi mới Kinh tế số (Bộ Công thương) kết luận, những thói quen mới này sẽ tiếp tục phát triển và trở thành một phần quan trọng. "Xu hướng này không chỉ thay đổi hành vi của người tiêu dùng, mà còn buộc các nhà bán lẻ và nhà sản xuất truyền thống phải chuyển sang kinh doanh trực tuyến. Mua sắm trên mạng xã hội bùng nổ bởi xu hướng này có thể đáp ứng từng nhu cầu nhỏ nhất của mỗi cá nhân".
Tham khảo: SCMP
Anh VũVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.