Lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ hàng hóa, định giá hàng hóa vô lý sẽ bị xử phạt như thế nào?
Hành vi đẩy giá lên cao hay găm hàng khi dịch bệnh đang hoành hành, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính theo Luật Giá năm 2012 hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Trong thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 gây ra, xuất hiện một số tổ chức, cá nhân thu gom, tăng giá bất hợp lý các sản phẩm hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm. Hành vi đẩy giá lên cao hay găm hàng khi dịch bệnh đang hoành hành, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
Khoản 1 điều 11 Luật Giá năm 2012 quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh (trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá) phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo quy định.
Tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn:
Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt từ 500 nghìn đồng - 01 triệu đồng; vi phạm nhiều lần, tái phạm sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng.
Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.
Đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Tại Điều 46, 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định:
Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính.
Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó.
Kèm theo đó là hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật; Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng hoặc đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Bên cạnh đó, đối với cá nhân, tổ chức có hành vi đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, đến việc phòng ngừa dịch bệnh sẽ bị xử lý hình sự về Tội đầu cơ quy định tại Điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Đầu cơ được hiểu là hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính.
Khung một quy định phạt tiền từ 30 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với người thực hiện các hành vi thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng hoặc hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng - 1,5 tỷ đồng.
Khung hai quy định phạt tiền từ 300 triệu đồng - 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm đối với người thực hiện các hành vi thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; hàng hóa trị giá từ 1,5 tỷ đồng - dưới 3 tỷ đồng.
Khung ba quy định phạt tiền từ 1,5 - 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7 -15 năm đối với người thực hiện các hành vi thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên; hàng hóa trị giá từ 3 tỷ đồng; có tính chất tái phạm nguy hiểm.
Đối với các pháp nhân thương mại (bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác), nếu đối tượng này phạm tội thì có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng - 9 tỷ đồng.
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 - 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.
Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng - 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Phạm AnhBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.