Lợi ích của thực phẩm hữu cơ và cách nhận biết
Hiện nay thực phẩm hữu cơ (thực phẩm organic) là một trong những xu hướng ăn uống lành mạnh. Loại thực phẩm này được lòng nhiều chị em nội trợ và nhất là những tín đồ ăn xanh, sống khỏe. Vậy thực chất thực phẩm này tốt như thế nào?
Thực phẩm hữu cơ là gì?
Thực phẩm hữu cơ là chỉ những loại thực phẩm được nuôi trồng không sử dụng hóa chất nhân tạo, thuốc tăng trưởng, thuốc kháng sinh hay thuốc kích thích biến đổi gen. Ngoài ra, để được dán nhãn hữu cơ, loại thực phẩm này phải hoàn toàn “sạch” và không chứa thêm chất phụ gia như chất làm ngọt nhân tạo, chất bảo quản, phẩm màu, hương liệu hay bột ngọt (MSG).
Cây trồng hữu cơ có xu hướng sử dụng phân bón tự nhiên như phân chuồng để cải thiện sự phát triển của cây. Động vật được nuôi theo phương pháp hữu cơ cũng không được sử dụng thuốc kháng sinh hoặc kích thích tố. Bên cạnh đó, việc canh tác hữu cơ có xu hướng cải thiện chất lượng đất và bảo tồn nguồn nước ngầm, làm giảm ô nhiễm và có thể được xem là một phương pháp bảo vệ môi trường tốt hơn.
Thực phẩm hữu cơ phổ biến nhất là trái cây, rau, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa và thịt. Ngày nay cũng có nhiều sản phẩm hữu cơ đã qua chế biến, chẳng hạn như sô-đa, bánh quy và ngũ cốc ăn sáng.
Lợi ích của thực phẩm hữu cơ
Thực phẩm hữu cơ được nhiều người lựa chọn và tin dùng vì có những lợi ích sau đối với sức khỏe và môi trường của chúng ta:
Thực phẩm hữu cơ thường có nhiều chất dinh dưỡng có lợi hơn: Chẳng hạn như nhiều chất chống oxy hóa hơn so với thực phẩm được trồng thông thường. Đặc biệt thực phẩm organic thật sự hữu ích cho những người bị dị ứng với thực phẩm, hóa chất hoặc chất bảo quản. Nhiều tài liệu cho thấy các triệu chứng của họ đã giảm bớt hoặc hết dần khi họ chỉ ăn thực phẩm organic.
Sản phẩm hữu cơ chứa ít thuốc trừ sâu hơn: Đối với các sản phẩm khác các hóa chất như thuốc diệt nấm tổng hợp, thuốc diệt cỏ và thuốc diệt côn trùng được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp thông thường và dư lượng vẫn còn trên (và trong) thực phẩm chúng ta ăn. Thực phẩm hữu cơ thường tươi hơn vì nó không chứa chất bảo quản giúp giữ được lâu hơn.
Canh tác hữu cơ có xu hướng tốt hơn cho môi trường: Các phương pháp canh tác hữu cơ có thể làm giảm ô nhiễm, tiết kiệm nước, giảm xói mòn đất, tăng độ phì nhiêu của đất và sử dụng ít năng lượng hơn. Việc canh tác không dùng thuốc trừ sâu tổng hợp cũng tốt hơn cho các loài chim và động vật gần đó cũng như những người sống gần nơi canh tác.
Thực phẩm động vật hữu cơ không chứa thuốc tăng trưởng: Động vật được nuôi theo phương pháp hữu cơ sẽ không sử dụng thuốc kháng sinh, hormone tăng trưởng hoặc các sản phẩm phụ của động vật được cho ăn. Cho ăn phụ phẩm của vật nuôi làm tăng nguy cơ mắc bệnh bò điên (BSE) và việc sử dụng kháng sinh có thể tạo ra các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh. Động vật được nuôi theo phương pháp hữu cơ có xu hướng có nhiều không gian hơn để di chuyển và tiếp cận với môi trường ngoài trời, giúp chúng khỏe mạnh.
Thịt và sữa hữu cơ có thể giàu chất dinh dưỡng hơn: Kết quả của một nghiên cứu ở châu Âu năm 2016 cho thấy mức độ của một số chất dinh dưỡng, bao gồm cả axit béo omega-3, trong thịt và sữa hữu cơ cao hơn tới 50% so với các loại được nuôi thông thường.
Thực phẩm hữu cơ không có GMO: Thực phẩm biến đổi gen (GMO) hoặc thực phẩm biến đổi gen (GE) là thực vật có DNA bị thay đổi theo những cách không thể xảy ra trong tự nhiên hoặc trong quá trình lai giống truyền thống, phổ biến nhất là để kháng thuốc trừ sâu hoặc sản xuất thuốc diệt côn trùng.
Cách nhận biết thực phẩm hữu cơ
Trên thực tế, khái niệm thực phẩm organic vẫn chưa thật sự phổ biến tại Việt Nam, phần vì giá thành của loại thực phẩm này tương đối cao so với thực phẩm thông thường. Thế nên việc phân biệt thực phẩm organic với thực phẩm khác khá khó khăn. Nhiều đơn vị kinh doanh nhằm nâng cao lợi nhuận đã gắn mác hữu cơ cho các sản phẩm của mình mặc dù các sản phẩm này vẫn chưa đạt chuẩn “organic”.
Vậy làm sao để bạn xác định thực phẩm hữu cơ? USDA là chuẩn thực phẩm organic phổ biến nhất hiện nay của bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Theo USDA, thực phẩm organic được phân loại như sau:
100% hữu cơ: Sản phẩm được làm hoàn toàn từ các thành phần hữu cơ.
Thành phần hữu cơ: Sản phẩm chứa ít nhất 95% thành phần là hữu cơ
Được làm bằng hữu cơ: Ít nhất 70% thành phần là hữu cơ.
Mỗi chuẩn hữu cơ sẽ có những quy định riêng, để xác thực chính xác thực phẩm bạn mua có có phải là thực phẩm organic hay không, bạn cần tìm hiểu kỹ về các quy định đó. Ngoài ra nếu xem xét bề ngoài của thực phẩm bạn có thể xem xét một số chi tiết sau:
Về kích thước: Kích thước của lá hoặc củ quả của thực phẩm organic thường tương đối cân đối, không quá to hay quá nhỏ. Tuy nhiên so với các thực phẩm đã qua nuôi trồng bằng hóa chất thì vẻ ngoài của rau củ hữu cơ thường xấu xí hơn một chút.
Màu xanh hơi ngả vàng: Đa phần các loại rau hữu cơ đều có màu xanh hơi vàng không xanh đậm như các loại rau trồng bằng phân bón hóa học.
Tươi lâu và dễ bảo quản: Thực phẩm hữu cơ có thể bảo quản dễ dàng ở nhiệt độ phòng trong vòng vài ngày mà không sợ hư hỏng. Đặc biệt khi tưới nước rau củ hữu cơ sẽ lại tươi như ban đầu, không giống như các loại rau trồng bằng hóa chất khi tưới nước sẽ nhanh bị úng, hỏng.
Vị ngon ngọt tự nhiên: Thực phẩm hữu cơ vì không nuôi trồng qua hóa chất nên vẫn giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng.
Hy vọng những thông tin phổ thông về thực phẩm hữu cơ có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về loại thực phẩm này và biết cách lựa chọn các sản phẩm phù hợp cho bản thân và gia đình mình.
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.