Lợi nhuận ngân hàng phục hồi nhờ NIM cải thiện

Ngân hàng
10:46 AM 22/03/2024

Theo đánh giá của VIS Rating, bước sang năm 2024, khả năng sinh lời sẽ cải thiện với mức NIM (biên lãi thuần) cao hơn và tăng trưởng cho vay tốt hơn.

Ngày 21/3, Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating đã tổ chức hội thảo “Triển vọng môi trường tín nhiệm 2024: Sau cơn mưa trời lại sáng” để công bố các báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2024.

Lợi nhuận ngân hàng phục hồi nhờ NIM cải thiện- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đánh giá tổng quan về ngành ngân hàng, VIS Rating cho rằng ba yếu tố là môi trường kinh doanh, chất lượng tài sản và khả năng sinh lời sẽ cải thiện trong năm 2024.

Theo đó, về môi trường kinh doanh, VIS Rating đánh giá lãi suất thấp giúp giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Đồng thời, dòng tiền của doanh nghiệp trong nước cải thiện nhờ tăng đầu tư và tiêu dùng, được thúc đẩy nhờ các chính sách hỗ trợ của chính phủ như cắt giảm thuế VAT, hoãn thuế thu nhập và giải ngân đầu tư công

Ngoài ra, nguồn cung và nhu cầu nhà ở dần được cải thiện nhờ đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án, khung pháp lý bất động sản mới và lãi suất cho vay thấp.

Theo VIS Rating, tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ chậm lại nhờ khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện khi điều kiện kinh doanh trong nước khả quan hơn và lãi suất thấp.

Nhiều chính sách của Chính phủ cùng các quy định pháp lý mới nhằm thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng nội địa sẽ có hiệu lực, từ đó góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và cải thiện dòng tiền của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, lãi suất thấp sẽ giảm bớt gánh nặng lãi vay và cải thiện khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Các chuyên gia phân tích kỳ vọng NPL toàn ngành sẽ giảm xuống 1,7% đến 1,8% trong năm 2024 từ mức đỉnh 5 năm là 1,9%, ghi nhận vào cuối năm 2023.

Về khả năng sinh lời, trong năm 2024, các chuyên gia phân tích kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) trung bình ngành ngân hàng sẽ cải thiện nhẹ lên 1,7% từ mức 1,6% của năm 2023 nhờ NIM mở rộng khoảng 0,2 đến 0,3 điểm % so với cùng kỳ lên quanh mức 3,8%.

VIS Ratings cho rằng hầu hết các ngân hàng có thể điều chỉnh giảm chi phí huy động về mức thấp nhanh hơn so với lãi suất các khoản cho vay. Tăng trưởng tín dụng dự kiến tăng lên mức 14% - 15% nhờ nhu cầu tín dụng từ thương mại nội địa, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bất động sản.

Tăng trưởng thu nhập ngoài lãi sẽ ở mức khiêm tốn, chủ yếu đến từ thu dịch vụ thanh toán, bù đắp cho sự suy giảm từ dịch vụ bảo hiểm và đầu tư chứng khoán. Chi phí tín dụng vẫn sẽ ở mức cao do các ngân hàng cần cải thiện bộ đệm dự phòng từ mức đáy của năm 2023, nhất là các ngân hàng tư nhân (POB) quy mô vừa và nhỏ.

Theo các chuyên gia, ngân hàng muốn cải thiện NIM chỉ có thể áp dụng công nghệ và thực tế các ngân hàng vẫn đang theo hướng này, tức là tối ưu hóa chi phí để cải thiện NIM.

Thêm vào đó, NIM là chênh lệch lãi suất giữa cho vay và huy động. Việc ngân hàng có thể cải thiện NIM được thì tốt nhưng cũng không tốt nhiều cho nền kinh tế.

Hiện nay, lãi suất cho vay đã rất thấp, nhiều khả năng NIM ngân hàng trong năm 2024 sẽ tăng. Thế nhưng, NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó NIM giảm theo.

Thay vì cải thiện NIM, ngân hàng nên tập trung tối ưu hóa chi phí vận hành. Có nghĩa là NIM vẫn không đổi, nhưng ngân hàng tiết kiệm chi phí vận hành nhiều hơn, từ đó lợi nhuận ngân hàng tăng lên và rõ ràng xu hướng các ngân hàng hiện nay đang đi theo hướng này.

Bên cạnh thu nhập từ lãi, ngân hàng cũng phát triển các nguồn thu nhập ngoài lãi, mà những khoản này không bị ảnh hưởng bởi room tín dụng. Các ngân hàng áp dụng công nghệ (như trí tuệ nhân tạo) để tối ưu hóa chi phí vận hành, tiết kiệm được nhiều chi phí, kể cả chi phí như mở chi nhánh, thuê nhà, điện nước, nhân sự…

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.