Lợi nhuận ngành bảo hiểm thời Covid-19: Người hái quả ngọt, kẻ nhận trái đắng!

Đầu tư và Tiếp thị
10:05 AM 30/11/2020

Bảo hiểm được cho là ngành ít chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên, không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng nhận được trái ngọt.

Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2020, doanh thu thị trường bảo hiểm nhân thọ ước đạt 89.914 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tổng số hợp đồng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt gần 2,2 triệu hợp đồng, tăng 13,5%.

Tại khối bảo hiểm phi nhân thọ, doanh thu thị trường ước đạt 40.969 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 5,7%. Tỷ lệ bồi thường khoảng 34%, tương đương giá trị bồi thường xấp xỉ 13.996 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).

Lợi nhuận ngành bảo hiểm thời Covid-19: Người hái quả ngọt, kẻ nhận trái đắng! - Ảnh 1.

Nguồn: BCTC quý 3/2020 của doanh nghiệp bảo hiểm

Những doanh nghiệp có lãi trong 9 tháng năm 2020

Đầu tiên là "ông lớn" Bảo Việt (BVH), trong 9 tháng năm 2020, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 24.830 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,5%. Lũy kế 9 tháng, hoạt động kinh doanh bảo hiểm lỗ gộp hơn 1.802 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ lỗ hơn 344 tỷ đồng.

Thu nhập thuần từ các hoạt động khác, kỳ này cũng giảm nhẹ 4% so với quý 3/2019, còn 11.501 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, thu nhập thuần từ các hoạt động khác cũng giảm từ 35.194 tỷ đồng xuống còn 26.105 tỷ đồng, tương đương giảm 26% so với cùng kỳ.

9 tháng năm 2020, các công ty liên doanh liên kết chỉ mang về cho Bảo Việt khoản lợi nhuận gần 27.019 tỷ đồng, tương đương giảm 45% so với cùng kỳ 2019.

Theo đó, kết thúc quý 3/2020, Bảo Việt ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 473,3 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 9 tháng, Bảo Việt đạt lợi nhuận sau thuế 1.122 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 8% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận ngành bảo hiểm thời Covid-19: Người hái quả ngọt, kẻ nhận trái đắng! - Ảnh 2.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại BVH

Tuy là "ông lớn" nhưng tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của Bảo Việt vẫn còn kém xa một số công ty bảo hiểm khác trong 9 tháng qua.

Tại  CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) ghi nhận, lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2020 đạt hơn 162 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ. Doanh thu phí bảo hiểm của Công ty tăng 27%, đạt hơn 4.336 tỷ đồng

Riêng quý 3/2020, lợi nhuận sau thuế đạt gần 45 tỷ đồng, tăng trưởng 81% so với cùng kỳ. Tuy vậy, số lãi này lại thấp hơn cả lợi nhuận đạt được trong quý 1/2020 (47,2 tỷ đồng), và chưa bằng một nửa lợi nhuận đạt được trong quý 2/2020.

Lợi nhuận ngành bảo hiểm thời Covid-19: Người hái quả ngọt, kẻ nhận trái đắng! - Ảnh 3.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại PTI

CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABI) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2020 đạt 237 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

9 tháng qua, doanh thu từ các mảng kinh doanh bảo hiểm và tài chính đều ghi nhận tăng trưởng lần lượt 15,6% và 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chi phí hoạt động tài chính cũng tăng mạnh lần lượt 25,3% và 183%, tuy nhiên công ty vẫn ghi nhận tăng trưởng về lợi nhuận ròng.

Lợi nhuận ngành bảo hiểm thời Covid-19: Người hái quả ngọt, kẻ nhận trái đắng! - Ảnh 4.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại ABI

Tổng Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare – VNR) ghi nhận quý 3/2020 lãi sau thuế 116 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2020 lên 235 tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận quý 3 tăng mạnh so với quý 2 (đạt 97,5 tỷ đồng) và gần gấp 5 lần lợi nhuận đạt được quý 1/2020.

Tương tự, tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BIC) ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế 9 tháng năm 2020 đạt 286 tỷ đồng và gần 234 tỷ đồng, tăng lần lượt 33% và 27% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ cũng tăng 25%, đạt gần 231 tỷ đồng.

Tuy kết quả kinh doanh tăng trưởng khá ấn tượng, nhưng theo BCTC hợp nhất quý 3/2020, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của BIC âm hơn 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước dương hơn 47 tỷ đồng.

Lợi nhuận ngành bảo hiểm thời Covid-19: Người hái quả ngọt, kẻ nhận trái đắng! - Ảnh 5.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại BIC

Quý 3/2020 của Tổng CTCP Bảo Minh (HOSE: BMI) ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt tăng 47% và 46% so với cùng kỳ, đạt gần 79 tỷ đồng và hơn 67 tỷ đồng dù hoạt động kinh doanh chính là bảo hiểm không tăng trưởng nhiều.

Tính chung sau 9 tháng năm 2020, BMI ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 12% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.738 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận trước và sau thuế cũng lần lượt tăng 14% và 15%, đạt hơn 188 tỷ đồng và 158 tỷ đồng.

Loạt doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận giảm sút so với cùng kỳ

Trong khi có không ít doanh nghiệp trong ngành có lợi nhuận tăng trưởng, thì cũng còn khá nhiều doanh nghiệp có mức lợi nhuận giảm sút so với cùng kỳ.

Cụ thể, Tổng CTCP Tái Bảo hiểm PVI (PVIRe, OTC: PRE) sau 9 tháng không có biến động đáng kể với lãi ròng hơn 106 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nợ phải trả chiếm hơn 80% tổng nguồn vốn, phần lớn là hơn 2.699 tỷ đồng dự phòng nghiệp vụ, giảm 7% so với đầu năm.

Tại Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PGI), riêng quý 3/2020 doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 666 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 20%, xuống còn 27,2 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp hơn cả quý 1 và quý 2/2020. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng năm 2020, PGI ghi nhận lãi sau thuế hơn 136 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2019 đạt 116 tỷ đồng.

Lợi nhuận ngành bảo hiểm thời Covid-19: Người hái quả ngọt, kẻ nhận trái đắng! - Ảnh 6.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại PGI

Một doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm là CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIG). Cụ thể, lợi nhuận trước và sau thuế 9 tháng năm 2020 giảm 15,1% so với cùng kì năm trước, ghi nhận ở các mức lần lượt là 123 tỷ đồng và 98 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu thuần từ các mảng kinh doanh chính gồm bảo hiểm và doanh thu tài chính đều ghi nhận tăng lần lượt 33,2% và 13,8% so với cùng kỳ năm trước nhưng chi phí lại tăng gần 45% và 73% khiến lợi nhuận của MIG sụt giảm.

Lợi nhuận ngành bảo hiểm thời Covid-19: Người hái quả ngọt, kẻ nhận trái đắng! - Ảnh 7.

BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại MIG

Hay tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (BLI) trong 9 tháng năm 2020, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ tăng nhẹ 4,7% so với cùng kỳ năm trước lên gần 682 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng 8,1% với 72,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do chi phí các mảng khác tăng cao, đặc biệt là chi phí tài chính (tăng hơn 19%) dẫn tới lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của công ty đạt hơn 107 tỷ đồng, giảm 16,7%. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2020 đạt hơn 86 tỷ đồng, tương đương giảm gần 17%.

Lợi nhuận ngành bảo hiểm thời Covid-19: Người hái quả ngọt, kẻ nhận trái đắng! - Ảnh 8.

BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại Bảo hiểm Bảo Long

Ngành bảo hiểm được đánh giá tích cực trong dài hạn

Theo đánh giá của CTCK MB (MBS), ngành bảo hiểm phi nhân thọ không chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Ngoài ra, sau khi dịch bùng phát, nhận thức của người dân về bảo hiểm sức khỏe sẽ càng nâng cao hơn và thúc đẩy tăng trưởng cho nhóm sản phẩm này.

Nhận định ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến ngành bảo hiểm Việt Nam, CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng cho rằng dịch bệnh ít tác động trong ngắn hạn tới các công ty bảo hiểm nhân thọ. Đồng thời, ngành bảo hiểm được đánh giá tích cực trong dài hạn vì nhu cầu được bảo hiểm sẽ tăng lên khi xuất hiện dịch bệnh.

Tuy nhiên, trong trường hợp Chính phủ cần các yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng vào nửa cuối năm 2020, lãi suất thấp có thể ảnh hưởng đến lợi tức đầu tư của các công ty bảo hiểm.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 tại Việt Nam sẽ khiến chi phí bồi thường của các công ty bảo hiểm tăng lên, nhưng ở mức vừa phải. Điều này là do hầu hết các chi phí y tế sẽ được bảo hiểm xã hội chi trả.

Hà Phương
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.