Lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng 10-15%

Ngân hàng
03:39 PM 16/04/2024

Năm 2024, lợi nhuận ngân hàng dự báo sẽ khả quan hơn tăng 10-15% nhưng có sự phân hóa giữa các ngân hàng tùy thuộc vào năng lực tài chính, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được phê duyệt, chất lượng tài sản, phát triển dịch vụ...

Dự báo trên được TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đưa ra tại Hội thảo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024” do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đồng tổ chức sáng 16/4.

Hội thảo Thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024. Ảnh: Công Thương

Hội thảo Thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024. Ảnh: Công Thương

Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, khu vực tài chính của Việt Nam năm 2024 được dự báo sẽ tích cực hơn.

Chính sách tiền tệ sẽ được áp dụng theo hướng chủ động, linh hoạt, lãi suất duy trì ở mức thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tỷ giá mặc dù còn chịu áp lực lớn trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giảm lãi suất nhưng sẽ hạ nhiệt dần từ cuối quý II/2024. 

Cơ cấu cung ứng vốn của nền kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo chuyển dịch theo hướng tích cực khi giảm dần tỷ trọng của kênh tín dụng, tăng tỷ trọng qua kênh thị trường vốn và đầu tư tư nhân. Do đó, thanh khoản thị trường sẽ rõ nét, tăng trưởng lợi nhuận của các định chế tài chính năm 2024 sẽ ở mức cao hơn năm 2023.

Cụ thể, năm 2024, lợi nhuận ngân hàng dự báo sẽ khả quan hơn tăng 10-15% nhưng có sự phân hóa giữa các ngân hàng tùy thuộc vào năng lực tài chính, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được phê duyệt, chất lượng tài sản, phát triển dịch vụ...

Lợi nhuận của các công ty chứng khoán tốt hơn nhờ lãi suất ở mức thấp, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng khá đạt 15-18% và nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán. Ngoài ra, kết quả kinh doanh của các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng sẽ khả quan hơn nhờ kinh tế phục hồi và tăng trưởng cao hơn, sản xuất, tiêu dùng đang phục hồi.

Với các doanh nghiệp bảo hiểm, dự báo tăng trưởng lợi nhuận thấp do môi trường lãi suất thấp làm giảm doanh thu hoạt động tài chính và tăng chi phí dự phòng nghiệp vụ, trong khi doanh thu phí phục hồi chậm.

Theo chuyên gia, nhiều yếu tố tác động tích cực tới thị trường tài chính như: Khung pháp lý cho thị trường tài chính tiếp tục được hoàn thiện với thay đổi đáng quan tâm nhất là Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 và một số luật quan trọng khác như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,… có hiệu lực từ đầu năm 2025, với nhiều điểm mới quan trọng.

Pháp lý cho thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng thúc đẩy thị trường hoạt động an toàn, bền vững, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025...

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, các chuyên gia tại hội thảo cũng chỉ ra rằng, thị trường tài chính trong năm 2024 vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: Nợ xấu còn gia tăng trong nửa đầu năm nhưng sẽ giảm dần cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu nhưng tín dụng đang phục hồi và cả năm có thể tăng 14-15%, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản phục hồi chậm và cần thời gian để chuyển biến rõ nét hơn. 

Việc tăng vốn điều lệ của các định chế tài chính vẫn là thách thức khi chính sách quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa có đột phá. 

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số và xu hướng tăng trưởng xanh, tài chính xanh đòi hỏi nguồn lực đầu tư, phát triển thể chế và nguồn nhân lực chất lượng cao. Rủi ro công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin, dữ liệu có xu hướng gia tăng…; đặt ra yêu cầu mới cho cơ quan quản lý cũng như các bên tham gia thị trường.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn