Lợi nhuận sau soát xét của Vietjet tăng, có lãi nhờ tối ưu chi phí hoạt động và đầu tư các sản phẩm, dự án mới
Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 của Công ty Cổ phần hàng không Vietjet (Hose: VJC) cho thấy lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ cao hơn so với báo cáo tự lập.
Công ty Cổ phần hàng không Vietjet vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 do Công ty Kiểm toán PWC thực hiện. Báo cáo ghi nhận trong 6 tháng đầu năm, công ty mẹ đạt doanh thu vận tải hàng không là 5.022 tỉ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 34,2 tỉ đồng, tăng 102% so với cùng kì năm 2020 nhờ vào lợi nhuận từ đầu tư dự án mới .
So với báo cáo tài chính do Vietjet tự lập, báo cáo soát xét ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 148%.
Về doanh thu hợp nhất, báo cáo soát xét cho biết Vietjet đạt doanh thu hợp nhất 7.556 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 121,8 tỉ đồng, tăng 161% so với cùng kì năm 2020.
Báo cáo soát xét cũng ghi nhận Vietjet có tổng tài sản 49.855 tỉ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 16.975 tỉ đồng bao gồm cổ phiếu quỹ. Chỉ số thanh khoản hiện hành tiếp tục duy trì ở mức 1,31 lần, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ 0,51 lần - thuộc nhóm thấp nhất trong ngành hàng không thế giới. Nhờ vậy, Vietjet tiếp tục thực hiện kế hoạch huy động vốn trung dài hạn để tăng cường nội lực tài chính.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Vietjet đã vận chuyển hơn 4,8 triệu lượt hành khách trên toàn mạng bay và thực hiện hơn 34 nghìn chuyến bay. Ngoài ra, Vietjet đã tận dụng nguồn lực để tập trung hoàn thiện các quy trình khai thác và tăng cường hoạt động khai thác hàng hóa; tương ứng kết quả trong kì đã thực hiện vận chuyển hơn 37 nghìn tấn hàng hóa, tăng hơn 40% - 45% so với cùng kì năm trước.
Vietjet đã khai trương 6 đường bay thẳng từ Đà Lạt, Nha Trang, Thanh Hóa, Vinh, Đà Nẵng và Cần Thơ tới Phú Quốc; hợp tác ra mắt combo du lịch trọn gói và an toàn cho hành khách, thúc đẩy khôi phục kinh tế địa phương.
Vietjet tiếp tục quản lí tốt chi phí của mình thông qua các chương trình cải tiến, đổi mới, sáng tạo, các giải pháp tiết giảm chi phí; giảm chi phí khai thác bình quân theo giờ bay 71%, giảm chi phí bán hàng và hành chính 30% so với cùng kì năm trước.
Vietjet cùng với các đối tác chiến lược đã tham gia tích cực vào chiến dịch phòng chống COVID-19 như cùng với cán bộ, công nhân viên ủng hộ Quỹ vaccine; tài trợ trang thiết bị y tế, vận chuyển hàng nghìn y bác sĩ, hàng triệu liệu vaccine cùng hàng trăm tấn trang thiết bị y tế tăng cường cho các địa phương phòng chống dịch; nấu cơm từ thiện phát cho người yếu thế…
Vietjet là một trong những hãng hàng không tiên phong thí điểm IATA Travel Pass nhằm từng bước khôi phục các chuyến bay an toàn. Hãng tiếp tục là hãng hàng không chi phí thấp và an toàn nhất thế giới, đạt 7/7 sao do Airline Ratings, một tổ chức đánh giá uy tín về hàng không bình chọn.
Hiện tại, Vietjet tiếp tục tập trung thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu 4.0, nghiên cứu phát triển hệ thống gia tăng tiện lợi cho hành khách, khai thác hàng hóa và tối ưu hóa khai thác. Vietjet cũng tập trung triển khai các giải pháp để gia tăng các nguồn thu khác như vận chuyển hàng hóa, tối ưu hóa chi phí, mở rộng các dịch vụ hàng không và đầu tư tài chính.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đang xem xét các chính sách miễn, giảm một số phí, giãn nộp thuế và đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ nguồn vay thanh khoản để các hãng hàng không vượt qua đại dịch.
Theo báo cáo soát xét, có nhiều tín hiệu lạc quan về việc đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine phòng COVID-19 của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó, dự kiến các đường bay quốc nội và quốc tế sẽ sớm được vận hành dần trở lại.
Ngay khi các đường bay thương mại được mở cửa trở lại trong quý IV-2021, Vietjet tiếp tục tăng tốc, sẵn sàng trở lại với bầu trời, đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân sau thời gian giãn cách, góp phần thúc đẩy nền kinh tế hồi phục sau đại dịch.
PVCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.