Lợi nhuận trước thuế của 19 DNNN ước đạt gần 57.000 tỷ đồng
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của 19 Tập đoàn và Tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) ước đạt 56.875 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, vượt 27% kế hoạch năm.
Thông tin trên được CMSC công bố tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Theo CMSC, 6 tháng đầu năm, 19 Tập đoàn và Tổng công ty thuộc CMSC có doanh thu hợp nhất ước đạt gần 1.019 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, thực hiện được 76% kế hoạch năm và bằng 113% so cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 56.875 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, vượt 27% kế hoạch năm. Giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt 86.218 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ, thực hiện được 75% mục tiêu năm đặt ra.
Tính đến hết tháng 6, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do CMSC làm đại diện chủ sở hữu ước đạt 66.960 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, thực hiện được 35% kế hoạch năm.
Với những kết quả đạt được, tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các vướng mắc, khó khăn đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý làm cơ sở để các tập đoàn, tổng công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm, có vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước), cho biết, 6 tháng qua, ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty đã cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức.
"Tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên. Một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn nhà nước", ông Sơn chia sẻ.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) là cơ quan thuộc Chính phủ.
CMSC hiện làm đại diện chủ sỡ hữu vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG); Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba); Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR); Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Tổng Công ty Cảng Hàng không (ACV); Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe); Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2); Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).
Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.