Lợi thế của bất động sản trong 'cuộc đua' với chứng khoán trong năm 2021

Doanh nghiệp - Doanh nhân
04:15 PM 08/01/2021

Theo các chuyên gia, dù năm 2020 chứng khoán đang "thắng thế" so với bất động sản, nhưng bước sang năm 2021, thị trường bất động sản sẽ "bứt tốc".

Một trong những nội dung được các chuyên gia bàn luận rất sôi nổi tại Toạ đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" vừa được tổ chức tại Vĩnh Phúc, đó là cuộc đua giữa bất động sản với chứng khoán.

Tất cả các chuyên gia đều đồng quan điểm với dự báo của Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng - nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank rằng, kênh chứng khoán sẽ giảm trong năm 2021, dù lúc này vẫn đang tăng trưởng. Nguyên nhân là do các hoạt động giãn nợ vay vốn ngân hàng trong năm 2020 sẽ bắt đầu các tác động trong năm này. Còn bất động sản sẽ bứt tốc, tăng nhanh sau tháng 1/2021 nhờ hàng loạt cơ chế cho thị trường bất động sản được tháo gỡ.

Lợi thế của bất động sản trong cuộc đua với chứng khoán - Ảnh 1.

Bất động sản sẽ vượt qua chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn? Ảnh: Vietnamnet

Rõ ràng trong cuộc "so kè" giữa hai kênh "nặng ký" này, bất động sản đang có nhiều lợi thế hơn. Trước hết, đánh giá của các chuyên gia tại Tọa đàm cho thấy, bất động sản đang là một kênh thu hút nhà đầu tư, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group, nhận định, dòng tiền lớn đang chờ đổ vào bất động sản. Giá bất động sản là cuộc "kết hôn" giữa cung và cầu. Trong khi nguồn cung rất khan hiếm, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào thị trường bằng những thương vụ trị giá lên đến hàng tỷ đô tại Hà Nội và TP.HCM. Cùng với đó về cầu, nhà đầu tư F0 đổ vào thị trường còn vượt con số 30% như các nghiên cứu được công bố.

Đặc biệt, những "tay to" đầu tư trên thị trường chủ yếu đến từ Hà Nội và TP.HCM đang ở trạng thái bảo toàn vốn. Họ đã lãi lớn và rút khỏi thị trường Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc từ trước khi thị trường lao dốc. Nguồn vốn của họ hiện rất nhiều và đang chờ để đầu tư tiếp.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, mặt bằng giá tại Việt Nam đang khá thấp so với các nước trong khu vực, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam mới chỉ đạt đâu đó 35%. Con số này thể hiện tiềm năng của Việt Nam vô cùng lớn, đấy cũng là nguyên nhân thu hút các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài.

Theo các chuyên gia, thời gian qua các đơn vị phân phối bán cho người nước ngoài rất nhiều. Bởi khi khi lãi suất thấp ngân hàng quá thấp, các nhà đầu tư trên thế giới sẽ đổ tiền vào bất động sản và Việt Nam là điểm đến họ đặc biệt quan tâm. 

Lợi thế của bất động sản trong cuộc đua với chứng khoán - Ảnh 2.

Bất động sản có nhiều lợi thế hơn trong cuộc "so kè" với chứng khoán. Ảnh: Batdongsan.com.vn

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, dự báo, giá nhà đất năm 2021 có thể tăng 10% so với năm 2020. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng có thể giữ ở mức như năm 2020 sẽ dẫn đến kích thích đầu tư mạnh hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng cũng dự đoán, các phân khúc như BĐS vùng ven Hà Nội, TP.HCM sẽ bật dậy mạnh mẽ sau một thời gian dài trầm lắng. Cùng với đó phân khúc nhà vừa túi tiền, nhà trung bình sẽ tăng giá nhanh. Đặc biệt, BĐS du lịch sẽ bật lên mạnh mẽ trong năm 2021 sau khi COVID-19 được kiểm soát. Cùng với đó bất động sản công nghiệp vẫn là một mảng sáng của thị trường.

Ông Hưởng tin rằng, bất động sản sẽ thắng thế trong cuộc đua sinh lời với chứng khoán và khuyến nghị 3 phân khúc đầu tư.

Một là bất động sản vùng ven Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh ngoại thành bởi "ngủ rất lâu rồi nên bật dậy sẽ rất nhanh". Hai là đất Long Thành, Đồng Nai, quận 9, Thủ Đức và những nơi được định danh là "đặc khu". Ba là nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền, đất chia lô. "Phân khúc nhà cao cấp đang thừa nhưng nhà giá rẻ, nhà vừa túi tiền thì ngược lại, điều kiện xây dựng rất đơn giản và bán rất nhanh", ông Hưởng nói.

Cựu Chủ tịch LienVietPostBank cũng cho rằng hậu Covid-19, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ lên ngôi, ở cả vùng biển và vùng núi. Trong khi đó, bất động sản công nghiệp dù rất nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng cũng chịu rủi ro từ vấn đề chính trị, kinh tế trong và ngoài nước.

Lạc quan về thị trường nhưng ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), lưu ý rằng: “Cơ hội cho thị trường BĐS 2021 là rất lớn, chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội. Nhưng chúng ta cũng nên lưu ý phòng tránh rủi ro về pháp lý, kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực tài chính, tín dụng doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro quy mô doanh nghiệp”.

Hoài Thương
Ý kiến của bạn