Long An muốn quy hoạch khu siêu kinh tế 32.000 ha, mở ra nhiều tiềm năng phát triển cho thị trường bất động sản
Với quy mô 32.000 ha, Dự án Khu kinh tế Long An sẽ là một trong những khu kinh tế lớn nhất khu vực Nam Bộ, quy mô tương đương thế giới. Đây sẽ là động lực phát triển cho tỉnh này trong thời gian tới.
Đề xuất quy hoạch khu siêu kinh tế được Ban quản lý Khu kinh tế Long An đưa ra tại buổi tọa đàm Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao ngày 19/4 ở TP Tân An (Long An). Dự án nằm trong quy hoạch phát triển địa phương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ trình các bộ ngành, Chính phủ xem xét.
Khu kinh tế này gồm toàn bộ huyện Cần Giuộc và một phần huyện Cần Đước, dự kiến xây dựng trên nền tảng một số khu công nghiệp, công nghệ cao có sẵn như Long Hậu, Đông Nam Á, Tân Kim, Tân Tập, khu công nghiệp Nam Tân Tập, khu công nghiệp Cầu cảng Phước Đông...
Dự án gồm 7 khu chức năng, gồm khu đô thị vệ tinh 1 (Cần Giuộc); khu đô thị vệ tinh 2 (Cần Đước); khu đô thị giáo dục, y tế, thể dục thể thao; khu đô thị phụ trợ; khu công nghiệp - cảng biển quốc tế; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu đô thị sinh thái.
Trong đó, quy hoạch sử dụng đất, đất đô thị chiếm gần 15.000 ha (hơn 44%); đất nông nghiệp, cảng biển hơn 5.800 ha (18%); đất nông nghiệp công nghệ cao hơn 7.800 ha (24%), còn lại là đất đầu mối giao thông, đất giao thông, đất mặt nước.
Theo đánh giá, với diện tích được dự tính quy hoạch trên 32.300ha, Khu kinh tế Long An nếu được hình thành sẽ thừa hưởng tất cả những thuận lợi về vị trí địa lý mà Long An đang có để phát triển kinh tế. Với vị trí chiến lược và quỹ đất dồi dào, Khu kinh tế Long An có thể trở thành siêu khu kinh tế kết nối các khu vực quan trọng như các thành phố công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ hay các thành phố du lịch như TP.HCM, Vũng Tàu, Phnom Penh (Campuchia).
Được biết, với lợi thế liền kề TPHCM và được xem như “dấu gạch nối” giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ, thời gian vừa qua tỉnh Long An đã tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng để thu hút doanh nghiệp phát triển kinh tế. Nỗ lực này giúp tỉnh thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lớn của cả trong và ngoài nước.
Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/3/2021, Long An là địa phương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,2 tỷ USD, chiếm 32,1% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Trong đó, dự án nhà máy điện LNG Long An I và Long An II là dự án có tổng vốn đăng ký lớn nhất, với trên 3,1 tỷ USD.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, cho rằng nhờ lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, lao động cùng chủ trương, chính sách đúng đắn, nhiều năm qua, Long An trở thành "điểm sáng" trong công tác thu hút đầu tư trong vùng cũng như cả nước, đứng vị trí tốp đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Toàn tỉnh Long An đang có 35 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Trong đó, có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích quy hoạch gần 3.800ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 88,4%, thu hút hàng trăm ngàn lao động, vốn đầu tư đạt trên 4,7 tỷ USD và hơn 92.000 tỷ đồng. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, dự kiến trong năm 2021, Long An sẽ có thêm khoảng 1.500ha đất sạch trong các khu công nghiệp để đón đầu làn sóng FDI đang đổ vào Việt Nam.
Các chiến lược kết nối giao thông cơ bản giữa Long An và toàn vùng được thực hiện thông qua việc phát triển các tuyến đường bộ quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai TPHCM, đường sắt TPHCM - Cần Thơ… cùng với mạng lưới giao thông thủy tiềm năng rất lớn. Đáng kể nhất, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang chuẩn bị nối dài đến Cần Thơ và cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ hoàn thành trong năm 2021 giúp Long An có nhiều cơ hội thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, phát triển các khu, cụm công nghiệp.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Giao thông Vận tải Long An cho biết, tỉnh sẽ huy động nguồn vốn khoảng 30.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các dự án giao thông trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án như đường vành đai thành phố Tân An, đường DT830; dự án đường DT 827E có tổng vốn dự kiến khoảng 16.500 tỷ đồng, dự án đường DT 830E có tổng vốn hơn 3.300 tỷ đồng… Các dự án này khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ kết nối thông suốt từ các khu, cụm công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đến Cảng Quốc tế Long An, TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Sự hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tập trung dân cư, góp phần mở rộng các thị trấn, thị tứ; đồng thời tạo lập thêm nhiều điểm dân cư đô thị mới trên địa bàn Long An. Theo quy hoạch, giai đoạn từ 2021-2030, Long An sẽ phát triển 29 đô thị ở các khu vực giáp ranh TPHCM.
Hiện thị trường BĐS Long An đã có sự góp mặt của những tên tuổi lớn như Tập đoàn Nam Long với khu đô thị mới hiện đại như Waterpoint với quy mô lên đến 355ha. Cùng với đó là các khu đô thị mới như Trần Anh Riverside, La Vila, Green City, Bella Villa, Cát Tường Phú Sinh…
Mới đây, Thắng Lợi Group tiếp tục giới thiệu tiếp giai đoạn 2 của dự án The Sol City với 3 giai đoạn: The Sol Center (36ha) là khu nhà shophouse, nhà phố và biệt thự; Symtech Zone (54ha) xây dựng các khu công nghiệp thương mại dịch vụ; Sky Gate (13ha) phát triển những dãy nhà biệt thự, nhà phố diện tích lớn, đem đến nguồn cung mới cho thị trường bất động sản Long An.
Có thể thấy, với vị trí chiến lược kết nối TP. Hồ Chí Minh với ĐBSCL, cùng hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện thời gian gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp thị trường BĐS Long An đang ngày càng thu hút sự chú ý trên thị trường.
Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.