So với năm 2020, tác động của đại dịch trong năm 2021 được đánh giá là nghiêm trọng hơn. Người dân rất lo lắng về tình hình sức khỏe cá nhân của họ (68% số người được hỏi) và việc học tập của con cháu (76%). Tác động tiêu cực lên việc làm và thu nhập do COVID-19 năm 2021 cũng trở nên rõ rệt hơn, với 77% người được hỏi cho biết thu nhập bị giảm, đặc biệt là đối với những người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động tự do...
Đây là một số phát hiện chính của cuộc điều tra xã hội học: "Cảm nhận và trải nghiệm của người dân về một số biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 của các cấp chính quyền: Kết quả khảo sát qua điện thoại vòng 2, năm 2021". Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI), với sự hỗ trợ và đồng hành của Bộ Ngoại giao và Thương mại Chính phủ Australia (DFAT).
Ngay từ khi đại dịch xuất hiện, xác định "cuộc chiến" có khả năng sẽ kéo dài, Chính phủ Việt Nam đã triển khai hàng loạt chủ trương, ban hành nhiều nghị quyết hướng tới người dân, đảm bảo sức khỏe, tính mạng và an sinh cho người dân như triển khai các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (2020) và 26.000 tỷ đồng (2021); tổ chức các chuyến bay đón kiều bào về nước...
Chi trả hỗ trợ cho người dân và hoạt động đón kiều bào về nước tránh dịch
Năm 2021, trong tình hình chung của toàn cầu, với làn sóng đại dịch hoành hành mạnh hơn bao giờ hết, Việt Nam bước vào đợt dịch thứ 4, có thể coi là khốc liệt nhất, với hầu hết các địa phương đều có ca nhiễm, thậm chí tổng số ca mắc mỗi ngày vượt 10.000 người, cùng những mất mát lớn về tính mạng của người dân, là nỗi đau của toàn dân tộc.
Bên cạnh đó, đại dịch còn tác động nặng nề tới tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, có nguy cơ gây tác động tiêu cực, lâu dài tới sức khỏe và tinh thần của người dân, ảnh hưởng tới việc học hành của cả một thế hệ học sinh.
Trước những thách thức trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiến hành cuộc họp trực tuyến toàn quốc, đích thân chủ trì cuộc họp với 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống đại dịch, sát sao đến tận từng xã, phường nơi có số ca mắc cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc kiểm tra đột xuất về công tác phòng chống dịch tại điểm nóng Thanh Xuân Trung
Đồng thời, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", vừa chống dịch vừa đưa hoạt động kinh tế- xã hội, cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường, tạo điều kiện cho người dân được làm việc, được học hành, phát triển.
Cùng với đó, Việt Nam nỗ lực triển khai quyết liệt, đồng bộ và bài bản Chiến lược vaccine, trong đó ngoại giao vaccine được coi là mũi nhọn, nhằm thực hiện mục tiêu tiêm chủng miễn phí toàn dân.
Tính đến ngày 9/12, Việt Nam có 129.965.296 liều vaccine đã được tiêm, trong đó tiêm 1 mũi là 74.039.917 liều, tiêm mũi 2 là 55.925.379 liều.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, kinh tế đang dần phục hồi, có những khởi sắc với nhiều điểm sáng, cuộc sống của người dân cũng dần chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Đánh giá của người dân về các biện pháp ứng phó của các cấp chính quyền trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, đa số người trả lời vẫn đánh giá cao mức độ hiệu quả trong tác ứng phó với COVID-19 của các cấp chính quyền, cho dù tỷ lệ này thấp hơn năm 2020.
Có tới 84% số người được hỏi đánh giá công tác ứng phó của Chính phủ Trung ương là tốt hoặc rất tốt (so với 97% vào năm 2020), 89% đánh giá công tác ứng phó của chính quyền cấp tỉnh là tốt hoặc rất tốt (94% vào năm 2020). Người dân thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với hầu hết các biện pháp phòng, chống dịch. Đóng cửa chợ dân sinh và trường học là các biện pháp ít được ủng hộ hơn.
Những vấn đề cần lưu ý, rút kinh nghiệm
Bên cạnh những kết quả tích cực, có những câu trả lời cho thấy, khả năng tiếp cận và hiệu quả của gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ còn thấp. Mức độ tiếp cận với gói hỗ trợ của người nghèo thấp hơn người giàu. Thông tin về gói hỗ trợ chưa được phổ biến, tuyên truyền một cách hiệu quả và đầy đủ tới các nhóm yếu thế. Người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại nông thôn, người nghèo ít nghe đến gói hỗ trợ hơn những nhóm còn lại.
Những người đã nhận được tiền hỗ trợ đánh giá cao tính kịp thời và đúng như quy định. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thủ tục tiếp nhận còn phức tạp.
Trong khi đó, các dịch vụ hành chính công trực tuyến chưa được vận dụng trong đợt dịch thứ tư. Nhiều người phải nộp kết quả xét nghiệm COVID-19 mới được nhập viện khám, chữa bệnh. Một trong những vấn đề tồn tại mà Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp tỉnh (PAPI) đã chỉ ra trong thập kỷ qua là hiệu quả hoạt động chưa tối ưu của các bệnh viện công cấp huyện, là cấp trọng yếu trong công tác ứng phó với những khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Khảo sát cũng phản ánh lựa chọn và kỳ vọng của người dân trong ứng phó với COVID-19. Mặc dù phải chịu những tác động kinh tế tiêu cực, hầu hết những người được hỏi đều ưu tiên sức khỏe hơn kinh tế. Có tới 83% số người được hỏi đồng ý rằng "ưu tiên cao nhất của Nhà nước hiện nay là cứu người khỏi COVID-19 cho dù phải hy sinh phát triển kinh tế".
Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen đánh giá cao cuộc khảo sát này. "Kinh nghiệm của Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy rằng lòng tin và sự tín nhiệm của người dân là chìa khóa thành công trong công tác ứng phó với đại dịch của Chính phủ", bà Caitlin Wiesen nhận định.
"Năm 2022 đang đến với những thách thức không thể lường trước vì đại dịch vẫn tồn tại và đang bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng với chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 thần tốc ở Việt Nam trong những tháng gần đây, cùng với sự ủng hộ của người dân đối với biện pháp đeo khẩu trang và các biện pháp ứng phó nhanh và linh hoạt của chính phủ, tôi tin rằng Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức của đại dịch và sớm phục hồi" - bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Thông qua khảo sát, các chuyên gia của UNDP cũng đưa ra một số gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách trong thời gian tới.
Cảm nhận và sự ủng hộ của người dân cần được các cấp chính quyền xem xét kỹ lưỡng khi thiết kế các chính sách, biện pháp ứng phó trong thời gian tới. Sự tin tưởng của người dân là động lực quan trọng quyết định mức độ hiệu quả trong việc ứng phó với đại dịch của các cấp chính quyền.
Bà Cherie Russell, Tham tán Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam nhận định: "Thông qua kết quả khảo sát này, chúng ta có cơ hội được lắng nghe tiếng nói và trải nghiệm của người dân Việt Nam. Nghiên cứu thực chứng sẽ cung cấp thông tin cho các quyết định chính sách và xây dựng lòng tin hơn nữa trong cộng đồng đối với việc thực hiện các chính sách này..."
Cần tập trung hơn triển khai gói hỗ trợ cho nhóm người nghèo, lao động không có tay nghề, lao động thời vụ, và người làm việc trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ.
Hỗ trợ của cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội và các nhóm/cá nhân từ thiện trong thời gian dịch bệnh hoặc các khủng hoảng tương tự cần được coi trọng và chính thức ghi nhận. Việc đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ sẽ giúp người dân nhận hỗ trợ kịp thời hơn.
Các dịch vụ công trực tuyến cần được đánh giá lại và cải thiện nhằm bảo đảm tính thân thiện với người dùng, qua đó, khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp không tiếp xúc trong quá trình làm việc với chính quyền.
Hai năm, bốn đợt dịch COVID-19, trong đó, làn sóng thứ 4 đang diễn ra được đánh giá là "cuộc chiến" khốc liệt và cam go nhất, nhưng đất nước Việt Nam kiên cường vẫn vững tin rằng, chúng ta rồi sẽ chiến thắng.
Thực hiện: Thương Huyền