Louis Vuitton ra mắt đồng hồ lấy cảm hứng từ kinh kịch Trung Hoa
Vừa qua, nhà mốt Louis Vuitton đã giới thiệu dòng đồng hồ mới tên Tambour Opera Automata tại Courchevel (Pháp). Thiết kế của món phụ kiện này lấy cảm hứng từ bian lian (kỹ thuật biến diện trong kinh kịch Tứ Xuyên, Trung Quốc).
Biến diện (bian lian – 变脸), hay thay đổi khuôn mặt, là một thể loại kịch tinh túy của Trung Quốc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Điểm đặc sắc nhất của vở kịch biến diện được người nghệ sĩ thể hiện qua việc biến hóa khuôn mặt với loạt cảm xúc thay đổi liên tục. Lấy cảm hứng từ nghệ thuật này, chiếc mặt nạ trên mặt đồng hồ Tambour Opera Automata của Louis Vuitton có thể thay đổi biểu cảm và có đến năm chế độ tự động hóa.
Chiếc đồng hồ đã tái hiện hoàn hảo loạt chuyển động thay đổi của loại hình kịch này trong chuỗi 16 giây, khiến đây trở thành một xa xỉ phẩm "có cảm xúc" với những biểu cảm như cau mày, nháy mắt... và kết thúc bằng việc con mắt là một bông hoa.
Michel Navas, bậc thầy chế tác đồng hồ và là Nhà đồng sáng lập La Fabrique du Temps của Louis Vuitton chia sẻ: "Chúng tôi muốn chiếc Tambour Opera Automata phản ánh tính thẩm mỹ và biểu cảm khuôn mặt được khắc họa trên những chiếc mặt nạ bian lian. Hình thức nghệ thuật đó và kỹ thuật phát triển đồng hồ đều còn nhiều bí mật để khám phá".
Tất cả các chi tiết vẽ và chạm trổ đều được thực hiện bằng tay. Nét vẽ và sơn mài thủ công bởi Anita Porchet, một trong những nghệ nhân nổi tiếng nhất về nghệ thuật sơn mài trong làng chế tác đồng hồ Thụy Sỹ. Chi tiết chạm trổ thủ công do Dick Steenman, một nghệ nhân có hơn 14 năm kinh nghiệm chế tác đồng hồ cao cấp tầm cỡ Métiers d’Arts. Vượt trên khỏi một chuẩn mực phụ kiện vô cảm, Louis Vuitton Tambour Opera Automat như một tác phẩm sống động chứa đầy bí ẩn của nghệ thuật Trung Hoa.
Louis Vuitton đã ra mắt bộ sưu tập đồng hồ cao cấp đầu tiên vào năm 2002. Mặc dù đã gia nhập lĩnh vực đồng hồ hơn hai thập kỷ, nhưng đến gần đây, nhà mốt nổi tiếng của Pháp mới thu hút giới chế tác đồng hồ cao cấp với một số thiết kế táo bạo. Trước đây, hãng đã lấy cảm hứng từ châu Âu cho mẫu Tambour Carpe Diem từng đoạt giải thưởng, ra mắt vào năm 2021. Mẫu Tambour Carpe Diem thể hiện hình ảnh chiếc đầu lâu cùng chú rắn có thể chuyển động chỉ giờ, nhắc nhở người dùng về sự mong manh của cuộc sống.
Việc Louis Vuitton tôn vinh văn hóa Trung Quốc không phải một nước đi bất ngờ. Thị trường trang sức tại quốc gia này đang phát triển nhanh chóng khi nhu cầu sử dụng đồng hồ cao cấp từ các thương hiệu Thụy Sỹ tăng đột biến.
Theo khảo sát về hàng hóa xa xỉ tại Trung Quốc được thực hiện bởi Hurun năm 2022, 49% người tiêu dùng có mức thu nhập cao sở hữu bộ sưu tập đồng hồ cao cấp, tăng 23% so với năm trước đó.
Là thương hiệu đến sau trên đường đua đồng hồ cao cấp ở Trung Quốc, Louis Vuitton thể hiện rõ tham vọng vượt mặt Rolex, Patek Philippe và Bulgari với Tambour Opera Automata. Đây cũng là một ví dụ điển hình về sự nhạy cảm ngày càng tăng của các doanh nghiệp xa xỉ đối với văn hóa phương Đông.
An Mai (Theo Jing Daily)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.