Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh tái đắc cử Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2026, vừa diễn ra thành công tốt đẹp tại Hà Nội. Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ II, tiếp tục được tín nhiệm đảm nhận chức Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III.
Đại hội cũng bầu 05 Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III, gồm các luật sư: Phan Trung Hoài, Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Lưu Tiến Dũng, Nguyễn Hải Nam và Đào Ngọc Chuyền. Ngoài ra, còn có 31 Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ III và 21 Ủy viên Ban Thường vụ nhiệm kỳ III.
Trong ngày họp thứ hai (26/12), Đại hội vinh dự được đón tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tới dự và phát biểu.
Cùng dự Đại hội, còn có các đồng chí: Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương và 349 đại biểu đại diện cho hơn 16.000 luật sư trong cả nước.
Theo "Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ II và phương hướng công tác nhiệm kỳ II của Liên đoàn Luật sư Việt Nam", hiện nay cả nước có hơn 16.000 luật sư, hơn 4.000 tổ chức hành nghề luật sư. Số lượng luật sư tăng đều hằng năm, trung bình mỗi năm tăng khoảng 1.000 người. Trong đó, sự phát triển về số lượng vẫn chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội (4.752 luật sư) và TP.HCM (6.489 luật sư), chiếm hơn 2/3 tổng số luật sư của cả nước.
Trải qua hai nhiệm kỳ xây dựng và phát triển, đến nay chất lượng đội ngũ Luật sư Việt Nam đã từng bước được nâng cao, đa số có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, có ý thức phấn đấu đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; giữ vững và phát huy những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp luật sư.
Trong nhiệm kỳ qua, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã tham gia vào hơn 81.000 vụ án hình sự, hơn 67.000 vụ việc dân sự, tư vấn pháp luật hơn 490.000 vụ việc, tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí gần 162.000 vụ việc.
Phát biểu tại Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc đổi mới về thể chế, tổ chức, hoạt động của luật sư. Nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử của Tòa án được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Luật Luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012 đã tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hoạt động của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp của luật sư.
Thời gian qua, nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến luật sư, tổ chức hành nghề luật sư và các hoạt động của luật sư đã được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định cần chú trọng công tác xây dựng nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao, trong đó có các nghề bổ trợ tư pháp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Trong nhiệm kỳ qua, đội ngũ luật sư trong cả nước đã nỗ lực hoạt động, cống hiến, góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các luật sư Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bảo đảm dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo đánh giá của Chủ tịch nước, hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cần tăng cường hợp tác quốc tế về luật sư, tạo điều kiện để luật sư Việt Nam giao lưu học hỏi kinh nghiệm quốc tế, chủ động và tích cực tham gia bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam, bảo vệ lợi ích quốc gia trong các tranh chấp pháp lý quốc tế.
"Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần phối hợp Bộ Tư pháp xây dựng, đào tạo đội ngũ luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, nghiên cứu xây dựng và đề xuất với Chính phủ về chính sách thu hút luật sư tham gia sâu hơn vào các vụ kiện quốc tế liên quan quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Trong hai ngày 25 và 26/12, các đại biểu tham dự Đại hội cũng đã thảo luận các báo cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, bao gồm: Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ II, phương hướng công tác nhiệm kỳ III; Báo cáo kiểm điểm công tác của Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ và Thường trực Liên đoàn nhiệm kỳ II; Báo cáo công tác tài chính nhiệm kỳ II và phương hướng công tác tài chính nhiệm kỳ III; trình Đại hội thảo luận về Dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (sửa đổi, bổ sung). Chiều 26/12, Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra và kết thúc thành công tốt đẹp.
Nguyễn HạnhSáng ngày 6/12/2024, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ khai trương hạ tầng Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.