Luật sư nói gì vụ “Văn phòng công chứng Chợ Lớn công chứng cho người đóng giả”?

Đời sống
01:46 PM 02/12/2020

Như đã nêu trong tạp chí DN&TT số 35, vụ công chứng cho người đóng giả liên quan đến việc mua bán nhà đất ở số 32, đường 28B, phường Bình Trị Đông B, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh của bà Triệu Ái Ngọc (SN 1957, ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh) đã được Cơ quan Công an khởi tố vụ án. Tuy nhiên, sau 1 năm trôi qua, nay cơ quan này ra quyết định “tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự” do “hết thời hạn điều tra nhưng chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi phạm tội”. Khi nào tìm được đối tượng gây án, sẽ phục hồi điều tra để tiếp tục làm rõ vụ án - quyết định nêu.

Công chứng viên có đối chiếu dấu vân tay?

Trước động thái này của cơ quan Công an, bà Triệu Ái Ngọc, nạn nhân của vụ việc, đã khởi kiện Văn phòng công chứng (VPCC) Chợ Lớn (có địa chỉ số 467 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TP Hồ Chí Minh) ra TAND quận 5 với yêu cầu: Hủy hợp đồng ủy quyền số 006471 do văn phòng này công chứng ngày 9/6/2016.

Sau khi thụ lý vụ kiện, tòa án xác minh và mời những đương sự liên quan. Tại tòa án, phía VPCC Chợ Lớn vẫn cho rằng việc công chứng hợp đồng ủy quyền số 006471 ngày 9/6/2016 "đúng trình tự, thủ tục quy định"! Cụ thể, theo họ, trong nội dung tờ khai ngày 9/12/2019, đại diện cho VPCC Chợ Lớn viện dẫn: "Căn cứ vào sổ hồng do chủ sở hữu (bà Triệu Ái Ngọc) cung cấp; Thông báo nộp lệ phí trước bạ ngày 28/3/2016; Giấy chứng nhận bà Ngọc độc thân; Giấy CMND, hộ khẩu của bà Ngọc và bà Huỳnh Thị Hà". Tuy nhiên…

Trong vụ việc nêu trên, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khẳng định: VPCC Chợ Lớn đã công chứng người đóng giả bà Ngọc, để từ đó các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 1 tỷ đồng của ông Nguyễn Anh Tuấn. Vậy trách nhiệm của công chứng viên (CCV) và VPCC Chợ Lớn trong vụ việc này thế nào? Theo quy định của pháp luật sẽ xử lý ra sao?

Luật sư nói gì vụ “Văn phòng công chứng Chợ Lớn công chứng cho người đóng giả”? - Ảnh 1.

Hợp đồng ủy quyền được Cơ quan điều tra khẳng định dấu vân tay và chữ ký của bà Ngọc bị làm giả.

Theo Luật sư Trần Thị Ánh, Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), về việc giả mạo giấy tờ, giả mạo người yêu cầu công chứng, trước hết phải xem xét trách nhiệm của CCV.

Nghĩa vụ của CCV được quy định tại điều 17 Luật Công chứng số 53/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2014. Theo đó, CCV là người chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là CCV hợp danh. Bỡi lẽ công chứng là việc của một tổ chức hành nghề công chứng do các CCV thực hiện, chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản. Để bảo đảm tính hợp lệ, hợp pháp, CCV phải yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ quy định (giấy tờ tùy thân, giấy tờ có liên quan…) để đối chiếu theo điều 40 và 41 Luật Công chứng".

Cũng theo luật sư Ánh, một trong những biện pháp phòng ngừa giả mạo là đối chiếu dấu vân tay, vì thực tế trên thế giới cũng như trong quá khứ cho đến hiện tại không có dấu vân tay nào trùng nhau. Như vậy cần phải xem xét: CCV đã đối chiếu dấu vân tay trong trường hợp này như thế nào? Trường hợp lỗi vô ý của CCV, thì tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác… Sau đó, CCV phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật. Trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo điều 38 Luật Công chứng. Trường hợp Cơ quan điều tra chứng minh CCV biết giấy tờ giả mà vẫn công chứng thì tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả hành vi mà bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật", luật sư Trần Thị Ánh khẳng định.

Văn phòng công chứng gây thiệt hại thì phải bồi thường!

Trở lại vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" nêu trên mà Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định "Tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự" vào ngày 18/10/2017. Lý do tạm đình chỉ vụ án là do hết thời hạn điều tra nhưng chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Khi nào có căn cứ, hoặc tìm được đối tượng gây án, sẽ phục hồi điều tra để tiếp tục làm rõ vụ án. Vậy cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra là đúng hay sai? Vì sao hết thời hạn nhưng không gia hạn điều tra hoặc ra thông báo truy tìm hoặc truy nã đối tượng?

Theo Luật sư Nguyễn Đình Thuận, Phó Giám đốc Công ty TNHH Luật An Thuận Phát (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), khi hết thời hạn mà chưa xác định đối tượng, Cơ quan CSĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự là đúng. Theo hồ sơ từ khi tiếp nhận vụ án từ Công an quận Bình Tân, đến khi ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đã 1 năm, như vậy có thể hiểu việc gia hạn điều tra đã được thực hiện, nên không thể gia hạn thêm.

Luật sư nói gì vụ “Văn phòng công chứng Chợ Lớn công chứng cho người đóng giả”? - Ảnh 2.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh khẳng định bà Ngọc bị đóng giả để từ đó VPCC Chợ Lớn công chứng cho nhóm lừa đảo.

Trong vụ án này đã xác định có 2 hành vi: Làm giả giấy tờ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hồ sơ thể hiện: Sau khi đóng giả người để CCV công chứng hợp đồng ủy quyền thì đối tượng Huỳnh Thị Hà bán cho đối tượng thứ nhất (Lê Thị Hòa) và bà Hòa bán cho người thứ hai (Nguyễn Anh Tuấn). Do đó, trong hồ sơ tất nhiên phải có dấu vân tay của các đương sự tham gia chuyển nhượng căn nhà nêu trên. Các đối tượng lừa đảo có thể dán ảnh lên giấy CMND, đóng giả người…, nhưng dấu vân tay tuyệt đối không thể làm giả được. CCV khi công chứng, bắt buộc phải làm động tác so sánh hình ảnh trên CMND/Căn cước. Đặc biệt phải lăn tay đương sự để so sánh với dấu vân tay trên CMND/Căn cước với dấu vân tay vừa lăn lên giấy và sẽ phát hiện việc giả mạo ngay từ đầu.

Cũng theo luật sư Nguyễn Đình Thuận, đối với thông báo truy tìm ai đó, Cơ quan CSĐT có thể ban hành. Nhưng trong văn bản trả lời TAND quận 5, cơ quan điều tra đã nói rõ: Chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Để phát đi thông báo truy tìm, phải xác định đối tượng nào là đối tượng chính trong vụ án. 

Ở vụ việc này, sự liên đới trách nhiệm của CCV và VPCC Chợ Lớn là không thể thoái thác vì đó là khâu kiểm tra và chịu trách nhiệm cuối cùng trong văn bản công chứng. Tại điều 71 và 72 Luật Công chứng số 53/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2014 quy định về "Xử lý vi phạm đối với CCV" và "Xử lý vi phạm đối với tổ chức hành nghề công chứng", như sau: "Công chứng viên vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tổ chức hành nghề công chứng vi phạm quy định của Luật này thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật".

Bài - Ảnh: Hoàng An
Ý kiến của bạn