Luật sư riêng - nhân tố giúp doanh nghiệp giúp phòng ngừa các rủi ro pháp lý

Đời sống
03:01 PM 29/09/2020

Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế kéo theo các mối quan hệ pháp lý ngày càng phức tạp thì việc sử dụng luật sư riêng ở Việt Nam đang dần trở thành một xu thế tất yếu...

Luật sư riêng - nhân tố giúp doanh nghiệp giúp phòng ngừa các rủi ro pháp lý

Đối với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, luật sư riêng là một dịch vụ khá phổ biến. Hầu như mỗi doanh nghiệp đều có một luật sư riêng để bảo vệ quyền và lợi ích cho mình, cũng như là người tư vấn để phòng ngừa các rủi ro pháp lý. Còn đối với Việt Nam, đây là một dịch vụ khá mới mẻ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế kéo theo các mối quan hệ pháp lý ngày càng phức tạp thì việc sử dụng luật sư riêng ở Việt Nam đang dần trở thành một xu thế tất yếu.

Luật sư riêng - nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp phòng ngừa các rủi ro pháp lý - Ảnh 1.

Luật sư chính là “người gác cửa” đáng tin cậy để đảm bảo cho sự vận hành thông suốt của doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp Việt và sự cần thiết phải có luật sư riêng

Những năm gần đây, sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu cũng như những khó khăn của kinh tế trong nước đã khiến nhiều doanh nghiệp đối diện với tình hình kinh doanh không mấy thuận lợi. Chưa kể đến việc từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 bất ngờ ập đến mang theo những tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của đại đa số ngành nghề.

Tình trạng nợ khó đòi gia tăng, các tranh chấp lao động và tranh chấp phát sinh trong nội bộ hội doanh nghiệp ngày càng nhiều. Các tranh chấp liên quan đến quản lý nhà nước như tranh chấp về thuế, bảo hiểm xã hội, hay những thiệt hại do thiếu am hiểu thủ tục hành chính, chính sách pháp luật về đầu tư, xuất nhập khẩu… đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp "lao đao".

Chính vì vậy, trong thời điểm hiện tại và cả trong nhiều năm sau nữa, các chủ doanh nghiệp luôn cần phải có một "điểm tựa pháp lý" tin cậy giúp xử lý các tình huống pháp luật phát sinh trong kinh doanh một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Mặt khác, trong thời gian qua, truyền thông trong nước và thế giới đã liên tục phản ánh nhiều vụ tranh chấp kinh doanh có tính chất phức tạp trong phạm vi quốc tế mà phần thua thiệt đa số thuộc về doanh nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp không am hiểu pháp luật và thông lệ quốc tế, thậm chí không nắm rõ pháp luật Việt Nam.

Để khắc phục tình trạng này, nhằm tránh những tổn thất lớn cho doanh nghiệp và để chủ động trong hội nhập quốc tế, các chủ doanh nghiệp cần phải tích cực hơn trong việc tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động doanh nghiệp và môi trường kinh doanh của mình. Quan trọng hơn, cấp thiết hơn, các doanh nghiệp cần sở hữu ít nhất một luật sư riêng cho mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Luật sư, với năng lực và trình độ, hiểu biết của mình về pháp luật, sẽ tư vấn cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm rõ được tầm quan trọng của luật pháp, cũng như vai trò của việc tư vấn pháp luật trong doanh nghiệp, giải quyết nhanh chóng các vướng mắc phát sinh, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, gia tăng cơ hội thành công trên thương trường.

Luật sư - Người "gác cửa" doanh nghiệp

Sự xuất hiện của luật sư trong các doanh nghiệp sẽ trở thành nhân tố quan trọng, mang tư cách "người gác cửa" đáng tin cậy để đảm bảo cho sự vận hành thông suốt của doanh nghiệp.

Luật sư chính là người nắm vững và thích ứng với thay đổi của pháp luật giúp doanh nghiệp hoạch định chiến lược đầu tư đúng đắn, phát triển chiến lược kinh doanh phù hợp, tối ưu hóa các nguồn lực, tận dụng các cơ hội kinh doanh và quản lý hiệu quả những rủi ro.

Luật sư còn có trách nhiệm nắm chính xác các quy định pháp lý nhằm hạn chế những rủi ro và thiệt hại như bị lừa do thiếu thông tin, thua thiệt khi hợp tác với nước ngoài, hay rủi ro liên quan đến thi hành phán quyết của trọng tài hoặc tòa án nước ngoài..., hoặc nặng nề nhất là dẫn đến phá sản.

Doanh nghiệp, với tư cách là chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế quốc dân, sẽ chịu sự điều chỉnh theo những quy chuẩn của hệ thống quy phạm pháp luật. Các luật sư, là những người cho doanh nghiệp những lời khuyên liên quan đến pháp luật. Sự trải nghiệm và tính độc lập của các luật sư sẽ đem đến những giá trị thiết thực cho doanh nghiệp.

Luật sư riêng cũng sẽ giúp cung cấp thông tin pháp luật, tư vấn cho doanh nghiệp hiểu thêm những quy định của pháp luật và đặc biệt là định hướng hành vi của doanh nghiệp trong những điều kiện, hoàn cảnh pháp luật đã dự liệu trước. Họ còn có thể đóng vai trò tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp. Đây là những nhân tố đảm bảo tính an toàn pháp lý trong kinh doanh, bởi họ biết sự khác biệt giữa pháp luật với đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Những tư vấn của luật sư còn có thể giúp doanh nghiệp phòng ngừa tranh chấp, tránh rủi ro pháp lý, không để ảnh hưởng tới việc hoạch định chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp. Tư vấn pháp luật có thể đảm bảo các quyết định pháp lý của doanh nghiệp là hợp pháp và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Những thay đổi thường xuyên và quan trọng của pháp luật về kinh doanh có thể gây khó khăn hoặc tạo cơ hội cho các doanh nghiệp. Luật sư là người có kiến thức chuyên môn pháp luật, có kỹ năng giải quyết các vấn đề, nên có thể giúp doanh nghiệp vượt qua những tình thế bất lợi trên thương trường.

Rõ ràng, việc có một luật sư riêng - người có khả năng chủ động nắm chắc các quy định pháp luật - sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào một sân chơi bình đẳng với tính cạnh tranh khốc liệt của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nơi mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước được thỏa sức thể hiện năng lực, chứng tỏ vị thế của từng doanh nghiệp trên thương trường.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.