Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo không gian cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa

Tiếp thị
11:51 AM 26/06/2024

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định văn hóa là nguồn lực, sức mạnh nội sinh, trụ cột để phát triển Thủ đô. Những cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội về phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bảo đảm thể chế hóa được định hướng của Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị.

Tại Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội Khóa XV (đợt 2 từ ngày 17-28/6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào ngày 28/6 trên cơ sở dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo không gian cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa- Ảnh 1.

Luật Thủ đô (sửa đổi) góp phần tạo không gian cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Ảnh minh họa

Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội, Luật đã thể chế hóa định hướng "sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hóa phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa" bằng những cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội.

Theo Báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, quy định về phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là chủ trương đã được đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. 

Cụ thể, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định liên quan đến phát triển du lịch như quy định về trung tâm công nghiệp văn hóa, về các khu phát triển thương mại và văn hóa, về ưu đãi đầu tư… Dự thảo luật cũng được chỉnh lý theo hướng quy định rõ thành phố được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.

Quy định này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa mà Thủ đô có nhiều thế mạnh, tận dụng các lợi thế về không gian văn hóa, qua đó, phát huy triệt để và đồng đều thị trường văn hóa trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật cũng đã bổ sung đầy đủ 12 ngành công nghiệp văn hóa như như thời trang, phần mềm và các trò chơi giải trí, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc... vào danh mục các lĩnh vực có đầu tư mới được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện rõ nội dung về việc áp dụng phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa và ưu đãi đầu tư dành cho các dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và một số ngành công nghiệp văn hóa (gồm quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa; văn hóa ẩm thực).

Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn quy định nhà đầu tư, doanh nghiệp được quyền khai thác, quản lý công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao, hạ tầng giao thông do thành phố quản lý thông qua việc ký kết hợp đồng nhận nhượng quyền khai thác, quản lý với cơ quan, tổ chức của thành phố được giao quản lý, sử dụng công trình nhằm khai thác tối đa hiệu quả không gian, hạ tầng của các công trình này.

Tại toạ đàm “Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa”, Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP. Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng: Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ hội cho Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện. Trong đó, các chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội sẽ có thêm những cơ chế chính sách vượt trội, để các cấp, ngành triển khai tốt hơn nữa, từ đó có tác động 2 chiều đến phát triển văn hóa của Thủ đô. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách sẽ có tác động trực tiếp đến xây dựng văn hóa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Văn hóa là chính sách trọng tâm, điểm nhấn được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này. Chúng ta tự hào Hà Nội ngàn năm văn hiến, là nơi hội tụ, kết tinh văn hoá tiêu biểu của con người Việt Nam. Hà Nội đặc biệt quan tâm về văn hoá, đây là thế mạnh của Thủ đô, và Hà Nội phải có sự điều tiết, dẫn dắt văn hoá của đất nước. Với Luật Thủ đô (sửa đổi), những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi được kỳ vọng sẽ làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước.

Minh An
Ý kiến của bạn