Lực đẩy tăng trưởng kinh tế
Hiện nay, 8/9 khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản lấp đầy dự án đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm 2020, hầu hết doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hoạt động ổn định. Bằng nhiều giải pháp như cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng…, các khu công nghiệp tiếp tục là khu vực tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô.
Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Viết Thành
Doanh nghiệp hoạt động ổn định
Có mặt tại Khu công nghiệp Quang Minh (xã Quang Minh, huyện Mê Linh) đầu giờ sáng 15-7, phóng viên Báo Hànộimới chứng kiến cảnh xe chở công nhân nườm nượp ra vào. Toàn bộ khuôn viên khu công nghiệp gọn gàng, sạch, đẹp. Các nhà máy đều đang hoạt động ổn định. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử ASTI (Khu công nghiệp Quang Minh) Nguyễn Đức Nhân cho biết, các doanh nghiệp được đáp ứng đầy đủ điều kiện về hạ tầng, thủ tục đầu tư, kinh doanh. “Đặc biệt, an ninh trật tự cũng như cảnh quan, môi trường được bảo đảm là động lực lớn để doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất”, ông Nguyễn Đức Nhân chia sẻ.
Theo số liệu của Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, thành phố hiện có 9 khu công nghiệp, trong đó 8 khu công nghiệp cơ bản lấp đầy diện tích với 666 dự án đầu tư, trong đó có 346 dự án đầu tư nước ngoài (vốn đăng ký 6,2 tỷ USD) và 320 dự án đầu tư trong nước (vốn đăng ký 15.200 tỷ đồng). Riêng Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên) diện tích 60ha (quy mô hoàn chỉnh 600ha), đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng, đang tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư.
Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2020, dù bị tác động bởi dịch Covid-19 nhưng các khu công nghiệp vẫn thu hút thêm 5 dự án đầu tư mới với vốn đăng ký trên 13,4 triệu USD và 36 tỷ đồng; 11 dự án mở rộng sản xuất với vốn tăng thêm là 21,8 triệu USD và 89 tỷ đồng. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 4,035 tỷ USD (tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019); nộp ngân sách nhà nước ước đạt 132 triệu USD (tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2019).
Cũng theo ông Lê Quang Long, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã chủ động nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp và sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp khi cần. “Đáng mừng là hiện tổng số lao động làm việc tại 8 khu công nghiệp là 159.986 người (trong đó có 1.219 người lao động là người nước ngoài), chỉ giảm 1,1% so với năm 2019”, ông Lê Quang Long cho biết.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Theo Trưởng phòng Quản lý đầu tư (Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội) Tạ Quốc Hưng, 9 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 1.300ha đều đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng là điều kiện quan trọng giúp các nhà đầu tư hoạt động ổn định, lâu dài. Đặc biệt, 100% khu công nghiệp đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung; 7/9 khu công nghiệp hoàn thiện trạm quan trắc nước thải tự động. Còn 2 khu công nghiệp Nam Thăng Long và Hà Nội - Đài Tư chưa lắp đặt xong, nhưng các số liệu quan trắc tại chỗ được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để theo dõi, giám sát theo quy định.
Chia sẻ thêm về Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, do gần các khu công nghiệp của tỉnh Hà Nam nên khu công nghiệp này phải cạnh tranh về nhiều yếu tố, trong đó lớn nhất là giá thuê mặt bằng. Thành phố đã hỗ trợ đầu tư hạ tầng xung quanh khu công nghiệp, tổ chức các hội nghị xúc tiến, giới thiệu với doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc… Mới đây, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất đã giới thiệu với các đối tác trong và ngoài nước tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển".
Về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ông Lê Quang Long cho biết, toàn bộ quy trình giao nhận hồ sơ (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh…) được thực hiện trên hệ thống phần mềm dùng chung 3 cấp của thành phố. Cùng với đó, Ban triển khai dịch vụ công mức độ 4 và áp dụng các tiêu chuẩn ISO trong giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
“Ngày 14-7 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban. Trong đó, thời gian giải quyết và trả kết quả đối với các thủ tục: Điều chỉnh dự án đầu tư, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế, giãn tiến độ đầu tư… giảm từ 10 ngày còn 9 ngày. Thủ tục thành lập văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài giảm từ 10 ngày còn 5 ngày. Thủ tục cấp giấy phép xây dựng với các công trình nằm trong các khu công nghiệp giảm từ 20 ngày xuống còn 10 ngày”, ông Lê Quang Long thông tin thêm.
Với các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng…, các khu công nghiệp tiếp tục là nơi tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô.
Thanh HảiPhó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD.