Lực lượng Công an cùng dân vượt qua bão lũ
Trong suốt quá trình phòng chống bão, lũ với tinh thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ, đã có những hy sinh thầm lặng của lực lượng vũ trang nói chung và các chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng.
Nước lũ dâng cao, nhiều khu dân cư bị chia cắt, cô lập, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản và đời sống của trên 135.000 hộ dân tại hơn 200 xã, phường của 5 tỉnh, thành phố (Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Đà Nẵng).
Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng, bão chồng bão, mưa lũ chồng mưa lũ, nhấn chìm tài sản, cướp đi sinh mạng của nhiều người, hàng chục nghìn hecta lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại…
Trước những tổn thất nặng nề về người và tài sản ở các tỉnh miền Trung do thiên tai gây ra, với sự quan tâm, kịp thời chỉ đạo, khẩn trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, rất nhiều ban, ngành, đoàn thể quần chúng nhân dân đã có nhiều việc làm thiết thực khắc phục hậu quả lũ lụt, chia sẻ tháo gỡ cũng như hỗ trợ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn. Trong đó, đã có những tấm gương dũng cảm, nhiều hành động anh hùng giúp người dân vượt qua thiên tai.
Vừa qua, vào chiều ngày 17/10, chúng ta không thể quên được hình ảnh Đại úy Trương Văn Thắng, Công an xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khi đang cùng đoàn cứu hộ của xã đến đoạn Km193 đường Hồ Chí Minh nhánh tây Hướng Việt - Quảng Bình thì bất ngờ xảy ra lở núi kèm theo lũ quét đã khiến anh hy sinh khi đang nỗ lực tìm kiếm 7 người dân đi làm rẫy mất tích.
Vì nhân dân quên mình, anh đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại người vợ trẻ cùng đứa con trai mới 15 tháng tuổi và ba mẹ già yếu quê nhà. Ngày tiễn đưa anh, hàng nghìn người đến viếng đã không cầm được nước mắt.
Ghi nhận công lao cống hiến đó, Chủ tịch nước đã truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; Thủ tướng Chính phủ đã cấp Bằng "Tổ quốc ghi công"; Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh truy tặng Huy chương Tuổi trẻ Dũng cảm cho liệt sĩ Trương Văn Thắng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị truy thăng quân hàm cho anh từ Thượng úy lên Đại úy, tổ chức phát động học tập theo tấm gương anh dũng hy sinh "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ" của đồng chí Trương Văn Thắng.
Song hành với nhân dân, bất kể ngày hay đêm, nhận được tiếng gọi xin giúp đỡ từ người dân là các chiến sĩ Công an lập tức có mặt cứu người, tài sản, gia cố nhà cửa. Giữa cơn mưa tầm tã lúc 01 giờ sáng, ngày 19/10, Công an huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bất ngờ nhận được tin báo về việc 01 xe khách chở 18 người (trong đó có 5 phụ nữ và 1 em bé 2 tuổi) bị lũ cuốn trôi ở ngầm Khe Gát.
Mưa lũ phức tạp, chỉ 1 giây chậm trễ cũng khiến tính mạng của người dân gặp nguy hiểm, Công an huyện Bố Trạch đã lập tức điều động 100 cán bộ, chiến sĩ cùng 5 xe ô tô và các trang thiết bị đến hiện trường cứu hộ.
Trong đêm tối, giữa dòng nước xiết, các chiến sĩ lập tức bơi ra chiếc xe cứu người bị nạn. Cho đến khi hành khách cuối cùng đã được cứu vào bờ an toàn, tất cả như vỡ òa trong vui mừng xen lẫn nỗi sợ hãi còn ửng trong đáy mắt.
Tại thời điểm trên, những người chứng kiến không thể quên được hình ảnh, người chiến sĩ Công an cởi quân phục của mình để ủ ấm cho em bé 2 tuổi đang khóc thét lên vì hoảng sợ. Hình ảnh nụ cười hiền lành của người chiến sĩ khi đang bế đứa bé đã được lan tỏa khắp trên các trang mạng xã hội, góp phần làm đẹp hình ảnh người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về việc nhân dân trong và ngoài nước tiếp tục động viên, giúp đỡ người nghèo, người gặp hoạn nạn khó khăn và đồng bào lũ lụt, Đại tướng Tô lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh:
"Toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân với tình cảm và trách nhiệm của mình, tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn quyên góp ủng hộ, chung tay hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm phục hồi sản xuất và ổn định đời sống. Bên cạnh đó, Các cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ, cứu nạn phải đảm bảo an toàn cho chính mình, tránh tổn thất, mất mát không đáng có trong lực lượng Công an nhân dân".
Có thể thấy, mỗi khi đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn là cộng đồng lại phát huy tinh thần tương thân, tương ái, chung sức và đồng lòng đoàn kết, giúp đỡ, đó là truyền thống quý báu của dân tộc.
Hàng ngàn đoàn xe cứu trợ mang lương thực, thực phẩm, thuốc men, phao cứu sinh… cùng hướng về miền Trung ruột thịt. Người dân ở nhiều nơi thức trắng đêm nấu cơm, gói bánh chưng, bánh tét… gửi tới đồng bào đang bị bão, lũ cô lập. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã lặn lội vào vùng lũ, chia sẻ khó khăn với đồng bào… đóng góp, cứu trợ đồng bào đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai là hành động rất cần thiết, cần biểu dương và khuyến khích.
Song, khắc phục hậu quả thiên tai cũng cần thiết không kém, tại các địa phương bị ảnh hưởng bão lũ cần phải làm mới hoặc củng cố hệ thống đường sá, cầu cống, trường học, hệ thống điện, y tế, nhà ở cho gia đình bị mất tài sản sau bão, lũ; giúp học sinh tiếp tục đến trường, sinh hoạt hằng ngày và các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường…
Đó là những công việc quan trọng để tái ổn định cuộc sống của người dân sau bão, lũ. Trước tình hình đó, trong khi Nhà nước, các địa phương, các ngành liên quan và người dân chung tay đóng góp sức người, sức của khắc phục khó khăn, để không người dân nào bị bỏ lại phía sau thì các chiến sĩ Công an nhân dân là lực lượng kiên trì bám địa bàn, giúp đỡ người dân chống chọi với thiên tai, khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống cho người dân.
Nhiều ngày qua, hình ảnh hoạt động của lực lượng Công an cùng bà con dựng lại nhà cửa, sửa chữa công nông, đồ đạc hư hỏng, mất mát hay cùng bà con đẩy bùn đất ra khỏi nhà, tổng vệ sinh nhà cửa, nhất là gia đình neo đơn, chính sách… liên tục được chia sẻ, thêm ấm lòng bà con nhân dân.
Công an các tỉnh không bị ảnh hưởng bởi bão lũ đã góp sức huy động lương thực, thực phẩm, quần áo cùng vật chất để hỗ trợ bà con miền Trung, nằm trong sự chung tay đó, Công an tỉnh An Giang đã ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão, lũ với số tiền 1 tỷ đồng; Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên Công an tỉnh đã kêu gọi Hội viên, Đoàn viên đóng góp để hỗ trợ cho bà còn vùng bão, lũ…
Đây là truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của người Việt Nam, chung tay giúp đỡ người đang gặp hoạn nạn, khó khăn để hạn chế mức thấp nhất tổn thất do thiên tai gây ra.
Trước những hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đã khiến nhiều bạn đọc xúc động, gửi lời cảm ơn đến lực lượng Công an nhân dân không quản ngại nguy hiểm "vì nhân dân quên mình". Còn đối với các anh, đó là mệnh lệnh trái tim, là trách nhiệm của bản thân khi khoác lên mình sắc phục Công an nhân dân.
Mai PhươngBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.