Lực lượng Công an nhân dân trách nhiệm, chủ động, gương mẫu trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19
Chiều 11/10, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác Công an trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đến Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, chủ trì Hội nghị.
Từ đầu năm đến nay, nhất là trong đợt dịch thứ tư, lực lượng Công an nhân dân đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt, quan trọng trên tuyến đầu phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Bộ Công an đã ban hành nhiều kế hoạch, phương án về đảm bảo an ninh, trật tự; Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường chủ động dự báo tình hình, trao đổi, phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện thống nhất, hiệu quả, toàn diện các mặt công tác công an kết hợp các giải pháp phòng, chống dịch.
Cùng với đó, Bộ Công an đã phát động phong trào thi đua đặc biệt "Lực lượng CAND – Lá chắn phòng, chống dịch COVID-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội" với phương châm "Kiên định bản lĩnh chính trị Người chiến sĩ CAND, triệu trái tim, một ý chí, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19".
Chỉ riêng trong đợt dịch thứ 4 đến nay, lực lượng CAND đã huy động hơn 100.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia ở hầu hết các hoạt động phòng, chống dịch; điều động gần 9.000 cán bộ, chiến sĩ từ phía Bắc tăng cường cho Công an các địa phương phía Nam. Thiết lập, vận hành Bệnh viện dã chiến của Bộ Công an điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bắc Giang và TP Hồ Chí Minh; kiện toàn hệ thống cơ sở y tế phục vụ phòng, chống dịch với tổng quy mô 4.350 giường, sẵn sàng thiết lập mới cơ sở cách ly tập trung trong điều kiện dịch lan rộng.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm 2021, lực lượng CAND đã tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại…; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp liên quan các mặt hàng thiết yếu, y tế, gây bất ổn thị trường, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...; triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia... Lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch; kiểm soát phương tiện vận tải có mã nhận diện "luồng xanh" qua các chốt kiểm soát dịch. Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai hơn 29.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tại gần 15.000 tổ, chốt và khu vực phong tỏa, cách ly tập trung; kiểm soát người, phương tiện đi lại giữa các vùng dịch; xử phạt vi phạm các quy định về phòng, chống dịch…
Tham gia tham luận tại Hội nghị, từ điểm cầu An Giang, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã báo cáo Hội nghị các nội dung về tình hình phòng, chống dịch COVID-19, tính đến ngày 10/10, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 6.939 ca mắc COVID-19, trong đó có 333 ca của công dân về địa phương tự phát. Tỉnh đã thiết lập hệ thống điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, để điều trị, chăm sóc với tình huống 5 ngàn bệnh nhân. Thực hiện chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo quy định của Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh đã rà soát, lập danh sách hỗ trợ cho 119.430 trường hợp người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, với kinh phí 233,5 tỷ đồng. Đến nay, đã chi hỗ trợ 91.884 trường hợp (đạt tỷ lệ 46%), với số tiền 70,5 tỷ đồng.
Tỉnh đã tiếp nhận và phân bổ gạo hỗ trợ cho tỉnh là 3.362 tấn, với 224.152 người (bao gồm các đối tượng: hộ cận nghèo, người thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và người có hoàn cảnh khó khăn). Trước tình hình người dân di chuyển tự phát từ các tỉnh, thành về An Giang và đang còn tiếp tục tăng, tỉnh An Giang đã huy động tất cả các lực lượng, nỗ lực tiếp nhận, đảm bảo đưa đón trên 53.000 người về địa phương an toàn, đảm bảo an sinh xã hội và phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã kịp thời phân bổ 500 triệu đồng/huyện và 200 tấn gạo từ nguồn Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 và hạn hán tỉnh An Giang để hỗ trợ các huyện trong công tác đón công dân về địa phương.
Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm ghi nhận, biểu dương những kết quả, sự nỗ lực, cố gắng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Bộ, Bộ Chỉ huy tiền phương, tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương và các lực lượng chi viện trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Tô Lâm cũng gửi lời hỏi thăm, chia buồn sâu sắc tới thân nhân gia đình các đồng chí Công an đã hy sinh, tử vong và chia sẻ với các đồng chí bị thương, nhiễm bệnh, thiệt hại một phần sức khỏe trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19. Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, đây là mất mát to lớn đối với gia đình, người thân và lực lượng CAND; song sự mất mát đó càng thắp sáng niềm tin về tinh thần đồng lòng, quyết tâm cao độ, sự nỗ lực, ý chí lớn lao để chiến thắng đại dịch COVID-19.
Chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các đơn vị chức năng Bộ Công an và Công an các địa phương tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa để tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chủ động, vô hiệu hóa kịp thời các âm mưu, hoạt động của các đối tượng phản động, chống đối, kích động; ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi tung tin giả, tuyên truyền sai sự thật; tổ chức tuyên truyền phản bác thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc về tình hình dịch bệnh.
Thời gian tới, Giám đốc Công an các địa phương tiếp tục triển khai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; quán triệt cán bộ, chiến sĩ không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, với tinh thần đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết. Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo ổn định xã hội, an ninh, trật tự, quan tâm chăm lo bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương...
Văn Dương - Hòa TrangMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.