Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ các giống dưa lưới, từ tháng 2 năm 2019 anh Nguyễn Văn Thức (xã Bảo Đài, Lục Nam, Bắc Giang) đã đầu tư xây dựng trang trại rộng hơn 1ha trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đây là mô hình khá mới mẻ nên anh Thức phải tự tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm với người đi trước ở nhiều nơi, thậm chí anh còn vào tận Đà Lạt để tìm hiểu các quy trình trồng bằng công nghệ cao. Anh Thức cho biết, trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối cao, người trồng phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, trồng cây, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cho đến lúc thu hoạch sản phẩm.
Trong suốt quá trình canh tác dưa lưới, hầu như giai đoạn nào cũng quan trọng nên người trồng phải chủ động "đi trước" một bước trong phòng ngừa dịch bệnh. Tùy vào từng thời điểm trong năm, tình hình dịch bệnh khác nhau. Mùa mưa, cây trồng này dễ bị nấm gây hại. Mùa nắng, dưa lưới dễ bị rầy phấn trắng gây hại.
Bệnh này rất nguy hiểm, dù phát hiện sớm nhưng chúng lây lan rất nhanh, nông dân sẽ bị thiệt hại nặng. Do đó, để loại nông sản này phát triển thuận lợi, nông dân phải ghi chép cẩn thận các loại đối tượng dịch hại ở từng mùa trong năm, từ đó có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Ngoài ra, vào thời điểm dưa lưới ra hoa, anh Thức cho ong vào thụ phấn. Sau khi thụ phấn, mỗi cây chỉ giữ lại một trái để nuôi và thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh giúp cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi trái và phòng tránh dịch bệnh. Theo tính toán của anh Phú, chi phí canh tác mỗi vụ dưa lưới từ 45-50 triệu đồng. Nếu không nắm chắc kỹ thuật canh tác, rất dễ bị thua lỗ.
Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của anh Thức có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, đảm bảo chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên sản phẩm luôn đạt độ an toàn, sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.
Theo anh Thức, việc trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định. Đó là vốn đầu tư tương đối lớn, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi người trồng phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mới để cho một vụ dưa đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sản phẩm dưa lưới của anh Thức được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và là một trong những mô hình tiềm năng của địa phương. Là người năng nổ, nhiệt huyết, ngoài việc tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương, anh Thức còn tham gia tổ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên qua đó, mọi người có điều kiện hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, phân bón, cây giống, đầu ra nông sản.
Cũng theo ông Dương Hữu Thực - Chủ tịch UBND xã Bảo Đài (huyện Lục nam, Bắc Giang), mô hình trồng dưa lưới của anh Thức luôn tuân thủ quy trình được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, bồn cây, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình trồng dưa lưới của anh Thức còn góp phần tạo việc làm cho 8 lao động nông thôn tham gia các công việc hàng ngày tại các nhà màng với mức thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đang được nhiều hộ dân quan tâm bởi chống chịu được điều kiện thời tiết, cho năng suất cao. Theo lãnh đạo huyện Lục Nam (Bắc Giang), phát triển nông nghiệp sạch thích ứng với biến đổi khí hậu đang là mục tiêu trọng tâm của huyện, địa phương sẽ tạo điều kiện, tập trung kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp chuyển giao, liên kết phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Với những bước đi đứng đắn, thời gian tới, huyện sẽ xây dựng và triển khai những chính sách ưu đãi về vay vốn phát triển mô hình, quảng bá sản phẩm, tăng cường huy động các nguồn lực, dự án hỗ trợ phát triển, nhân rộng mô hình trồng cây dưa lưới và một số loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao khác.
Ngoài ra, ngành chức năng còn hỗ trợ các hộ trồng dưa lưới đăng ký giấy phép kinh doanh, kiểm định môi trường, xét nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ bao bì, logo, hình ảnh để phát triển OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).