Lục Nam: Thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Năm 2024, huyện Lục Nam đã thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của HĐND huyện giao.
Kinh tế đạt nhiều kết quả quan trọng
Năm 2024, là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Lục Nam lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều cơ hội, thách thức đan xen, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lục Nam đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Trong đó, có 6 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch, gồm: Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn; tổng sản lượng lương thực có hạt; giải quyết việc làm mới; số trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm Y tế.
Nổi bật là tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 5,3%. Tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo giá hiện hành ước đạt 5.744 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và bằng 97,4% so với cùng kỳ.
Tổng giá trị sản xuất Công nghiệp - TTCN (theo giá hiện hành) ước đạt 11.221 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và bằng 110,2% so với cùng kỳ; tổng giá trị ngành Dịch vụ (theo giá hiện hành) là 5.413 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và bằng 113,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước thực hiện là 896.922 triệu đồng, đạt 109,1% dự toán tỉnh giao, đạt 87,3% so với dự toán huyện giao và bằng 157,8% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách năm 2024 ước đạt 2.078,2 triệu đồng, bằng 136,7% dự toán giao và bằng 106,9% so với cùng kỳ.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung chỉ đạo. Tiến độ giải ngân ước thực hiện năm 2024 là 46.859,5 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao. Trong năm 2024, huyện đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thành công Lễ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Lục Nam đạt chuẩn nông thôn mới vào ngày 28/01/2024, được dư luận và cấp trên đánh giá cao. Lũy kế đến hết năm 2024, trên địa bàn huyện có 4 xã nông thôn mới nâng cao và 19 thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP" tiếp tục được triển khai, đến nay huyện có thêm 2 sản phẩm được công nhận mới, lũy kế toàn huyện có 28 sản phẩm OCOP (trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao, 25 sản phẩm đạt 3 sao), ngoài ra đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đối với 5 sản phẩm khác.
Công tác thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện được duy trì ổn định và phát triển. Năm 2024, có 60 hồ sơ dự án xin ý kiến chấp thuận đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư. Thực hiện cấp 1.735 Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và Hợp tác xã; có 86 doanh nghiệp thành lập mới. Lũy kế đến nay trên địa bàn huyện có 661 doanh nghiệp, 135 Hợp tác xã và 17.395 hộ kinh doanh đang hoạt động.
Công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện được tăng cường, tổ chức lập và công bố kịp thời Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, tập trung ra quân bảo vệ môi trường, khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3 (bão Yagi); hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 05/05 dự án mua sắm, lắp đặt lò đốt rác và xây dựng xong các hạng mục phụ trợ cho các khu vực lò đốt rác tại 5 xã: Thanh Lâm, Cẩm Lý, Bình Sơn, Đông Hưng, Đông Phú; kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với 5 trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, thu nộp ngân sách nhà nước 148,75 triệu đồng. Trong năm, đã ra quân thu gom, xử lý được khoảng 10.454 tấn rác thải; cấp 1 Giấy phép môi trường cho doanh nghiệp và tham gia thẩm định cấp 3 Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của tỉnh.
Công tác GPMB thực hiện các dự án đầu tư được triển khai quyết liệt, giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB các dự án đầu tư trọng điểm, như: Dự án Khu đô thị phía đông, Dự án Khu dân cư mới xã Tam Dị, Dự án Khu đô thị Đồng Cửa 2, Dự án Khu dân cư Lan Sơn số 1, Dự án Khu dân cư số 1 xã Lan Mẫu, Dự án Khu dân cư số 3 xã Phương Sơn, Dự án Khu dân cư TMDV số 4 xã Khám Lạng, Dự án Khu dân cư số 1 xã Khám Lạng và một số dự án khu dân cư khác, các tuyến đường giao thông theo kế hoạch đầu tư công được duyệt...
Năm 2024, ban hành Thông báo thu hồi đất để thực hiện 12 dự án, với tổng diện tích dự kiến thu hồi là 206,84ha; Quyết định thu hồi đất để thực hiện 18 dự án với tổng diện tích 49,09ha; phương án bồi thường hỗ trợ đã được duyệt tổng số tiền 111.834.258 đồng liên quan đến 1.037 hộ gia đình, cá nhân và 23 tổ chức; Trong năm có 12 dự án đã được UBND tỉnh Bắc Giang chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 62,65ha.
Văn hóa - xã hội phát triển toàn diện
Lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển toàn diện, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, tinh thần của nhân dân, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của huyện. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được thực hiện có hiệu quả, có 247/282 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa, chiếm tỷ lệ 87,6%, đạt 109,5% kế hoạch; tỷ lệ gia đình văn hóa 92,5%; 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, đạt 100% kế hoạch; số cơ quan đạt cơ quan văn hóa khoảng 90%. Công tác gia đình được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt việc tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình và ngày gia đình Việt Nam, giáo dục đạo đức lối sống gia đình Việt Nam.
Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về du lịch được quan tâm, trong năm Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ tổ chức đón tiếp và hướng dẫn cho khoảng trên 165.000 lượt khách du lịch; đón tiếp và hướng dẫn cho 215 đoàn khách trong và ngoài tỉnh, ước tính tổng doanh thu đạt khoảng 3.186.000.000 đồng, đạt 93,7% so với kế hoạch.
Công tác Giáo dục và đào tạo được huyện luôn chú trọng, quan tâm. Tổ chức, kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh đảm bảo công bằng, chính xác, khách quan. Tập trung bồi dưỡng học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh đạt 31 giải, tăng 6 giải so với năm học 2022 - 2023; Tham dự Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh với 11/11 môn thi, đạt 84 huy chương, đứng thứ 1/10 huyện, thị xã, thành phố về số lượng huy chương; Tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc có 55 vận động viên tham dự, đạt 38 huy chương, chiếm 1/3 số huy chương của toàn tỉnh... Cơ sở vật chất trường lớp học, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm thực hiện, năm 2024 tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 96,7%, đạt 100% kế hoạch.
Công tác chăm lo Tết cho nhân dân được quan tâm, đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thăm và tặng quà cho các đối tượng gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo... Năm 2024, đã tổ chức tiếp nhận, tặng 15.525 suất quà, trị giá 1.108 triệu đồng, trong đó: Hộ nghèo 1.848 suất, trị giá 1.108 triệu đồng; hộ cận nghèo 820 suất, trị giá 410 triệu đồng; người cao tuổi 3.252 suất, trị giá 1.221 triệu đồng; đối tượng bảo trợ xã hội 769 suất, trị giá 384 triệu đồng; đối tượng khác 488 suất, trị giá 321 triệu đồng.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đã giới thiệu giải quyết việc làm cho 5.619 lượt lao động, đạt 120,8% KH năm, đạt 132,21%KH tỉnh giao, đạt 93,63% so với cùng kỳ năm 2023. Chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân được nâng cao, tỷ lệ người dân tham gia BHYT năm 2024 toàn huyện có 184.669/185.541 người, đạt tỷ lệ 99,53%, vượt chỉ tiêu huyện đề ra 0,43%.
Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, kỷ luật, kỷ cương hành chính tiếp tục được tăng cường. Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung giải quyết góp phần củng cố lòng tin của nhân dân.
Vy Linh – Tri ThứcĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.