Lùi thời gian sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa

Địa phương
09:29 PM 16/06/2023

Theo dự kiến của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, kế hoạch sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa sẽ lùi đến năm 2024 hoặc 2025 do phải chờ quy hoạch chung đô thị và sắp xếp các xã, phường.

Ngày 15/6, ông Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa cho biết, dự kiến ban đầu huyện Đông Sơn sáp nhập vào TP Thanh Hóa vào tháng 7/2023. Tuy nhiên, kế hoạch phải lùi đến quý II năm 2024 hoặc sang năm 2025.

Trước đó, ngày 17/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040. Theo đó năm 2030, đất xây dựng đô thị dự kiến tăng từ 7.630 ha như hiện nay lên 11.180 ha, chiếm 49% tổng diện tích tự nhiên; đến năm 2040 tăng lên hơn 14.000 ha.

Lùi thời gian sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa - Ảnh 1.

Đô thị Thanh Hóa mới sẽ bao gồm huyện Đông Sơn. Đồ họa: Tiến Thành.

Không gian phát triển với ý tưởng chủ đạo là tựa núi Ngàn Nưa, bên sông Mã và hướng ra vịnh Bắc Bộ. Đô thị Thanh Hóa sẽ phát triển theo mô hình "tập trung, đa tâm", lấy trục đại lộ Lê Lợi kéo dài làm trục trung tâm, lấy sông Mã làm trục cảnh quan đô thị, tăng cường các dải đô thị song song với trục cảnh quan này.

Theo ông Lê Anh Xuân, đây là cơ sở để tỉnh xây dựng, điều chỉnh đề án, triển khai quy trình sáp nhập. Hiện tại, UBND thành phố và huyện Đông Sơn đang khẩn trương rà soát thủ tục, tiêu chí đô thị loại một và thành lập các phường trên cơ sở xã. Hiện tại, nhiều xã, phường không đủ tiêu chí nên phải sắp xếp lại đơn vị hành chính. Quá trình sáp nhập rất phức tạp với nhiều phần việc như: sắp xếp đơn vị hành chính, cán bộ công chức, xử lý tài sản công... Do đó, phải làm thận trọng, đúng trình tự pháp luật và tạo được đồng thuận cao trong cán bộ và nhân dân.

Thanh Hóa dự kiến đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án. Thứ nhất là sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố, giữ nguyên hiện trạng các xã, phường như hiện nay. Phương án này nếu làm nhanh có thể xong trong quý II/2024. Phương án hai là sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố đồng thời với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường. Nếu chọn cách này, dự kiến cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025 mới hoàn thành.

Theo dự thảo đề án, toàn bộ gần 83 km2, dân số hơn 88.000 của huyện Đông Sơn sẽ nhập vào TP Thanh Hóa. Sau sáp nhập, thành phố sẽ có diện tích tự nhiên hơn 228 km2, dân số gần 594.000, với 37 phường và 11 xã. Có 7 phường dự kiến được lập mới gồm Rừng Thông, Hoằng Quang, Hoằng Đại, Đông Tiến, Đông Văn, Đông Khê và Đông Thịnh.

Lùi thời gian sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa - Ảnh 2.

Đại lộ Nguyễn Hoàng với trụ sở hành chính mới xây dựng sẽ là trung tâm mở rộng TP Thanh Hóa về các hướng. Ảnh: Lê Hoàng

Đến năm 2025, toàn tỉnh có 47 đô thị các loại; trong đó, có 1 thành phố là đô thị loại I (đô thị Thanh Hóa: sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa); 2 đô thị loại III (TP Sầm Sơn; thị xã Bỉm Sơn); 1 đô thị loại IV (thị xã Nghi Sơn); 43 đô thị loại V.

Đến năm 2030, toàn tỉnh có 47 đô thị; trong đó, 1 thành phố là đô thị loại I (đô thị Thanh Hóa); 2 đô thị loại III (TP Sầm Sơn; TP Nghi Sơn); 4 đô thị loại IV (huyện Hà Trung sáp nhập vào thị xã Bỉm Sơn; thành lập mới 3 thị xã gồm: Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương); 40 đô thị loại V.

Với phương án sắp xếp này, đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ giảm từ 27 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh) xuống còn 25 đơn vị (huyện Đông Sơn sáp nhập vào TP Thanh Hóa; huyện Hà Trung sáp nhập vào thị xã Bỉm Sơn).

Trong số 25 đơn vị hành chính, tỉnh Thanh Hóa sẽ có 3 thành phố gồm: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và TP Nghi Sơn; có 4 thị xã gồm: Bỉm Sơn, Thọ Xuân, Hoằng Hóa và Quảng Xương.

Dự thảo đề án nêu rõ việc sáp nhập nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố xứng tầm đô thị loại một, với vai trò, vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của một trong những tỉnh lớn nhất cả nước. Việc sáp nhập cũng phù hợp với văn hóa, lịch sử địa phương, góp phần tinh gọn đầu mối tổ chức đơn vị hành chính.

Ngoài ra, Ban soạn thảo đề án đề xuất lựa chọn hai phương án tên gọi mới sau sáp nhập là TP Thanh Hóa hoặc TP Đông Sơn.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Thực thi ESG là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng Thực thi ESG là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng

Ngành ngân hàng Việt Nam là lĩnh vực có vai trò huyết mạch của nền kinh tế, do vậy việc tiên phong trong thực thi ESG sẽ tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.