Lũng đoạn thị trường tài chính: Nhà đầu cơ 'thổi giá rồi bán tháo' tài sản ảnh hưởng ra sao đến kinh tế?

Đầu tư và Tiếp thị
05:44 AM 13/01/2022

Nói một cách đơn giản hơn, từ những người đầu tư cổ phiếu cho đến người tiêu dùng, đều "thua thiệt" trong một thị trường vốn bị lũng đoạn.

Lũng đoạn thị trường là hoạt động có chủ đích nhằm tác động đến sự vận hành tự do và công bằng của thị trường, tạo ra các hiệu ứng giả liên quan đến giá cả của thị trường chứng khoán, hàng hóa hoặc tiền tệ.

Lũng đoạn trong thị trường tài chính không phải là một khái niệm mới. Từ những trung tâm tài chính toàn cầu như London (Anh), New York (Hoa Kỳ), Hong Kong (Trung Quốc), cho đến những thị trường vốn đang phát triển như Việt Nam, Bangladesh đều có thể xuất hiện việc lũng đoạn cùng những hệ lụy nguy hiểm.

Các hành động lũng đoạn như điều chỉnh lãi suất, quy trình cho vay, hay tình trạng bán khống cổ phiếu có thể gây ra thất thoát hàng tỷ USD mà chúng ta không hề hay biết. Trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam đang mở cửa sâu rộng hơn, cần có sự hiểu biết và ngăn chặn lũng đoạn thị trường vốn, tránh gây ảnh hưởng xấu đến người dân và nền kinh tế.

Nếu lấy việc vay vốn làm ví dụ, ta có thể thấy khá nhiều từ bài học Bangladesh. Trong những năm 2000, gần 60% người dân vay vốn tại Bangladesh thừa nhận rằng họ đã phải hối lộ nhân viên ngân hàng để được chấp thuận khoản vay. Việc phải chi trả khoản phí "đen" tạo nên một rào cản với các cá nhân có thể tiếp cận nguồn vốn, cho dù ý tưởng kinh doanh của họ có tốt thế nào đi nữa.

Điều này đồng nghĩa với việc một số cá nhân "chịu chi" để dễ dàng vay vốn hơn, mặc dù họ không có lịch sử tín dụng hay tài sản thế chấp để chứng minh khả năng chi trả. Điều này dẫn đến việc những dự án xấu lại xin được vốn vay. Theo một nghiên cứu về 125 khoản nợ xấu trong những năm 2000 tại Bangladesh, khoảng 78% trong số này đã sử dụng mối quan hệ để xin vay vốn.

Khi thị trường tài chính bị lũng đoạn, thông tin có khả năng bị bưng bít. Điều đó có nghĩa rằng những người trong nội bộ nắm được thông tin mật và dễ dàng thu lợi trong khi những nhà đầu tư chịu thiệt hại.

Một ví dụ gần đây nhất chính là cơn sốt công nghệ "blockchain". Khi không có biện pháp điều chỉnh phù hợp, như luật chứng khoán, những cá nhân xấu có thể tạo nên những thủ đoạn "pump and dump" hay "thổi giá rồi bán tháo".

Lũng đoạn thị trường tài chính: Nhà đầu cơ thổi giá rồi bán tháo tài sản ảnh hưởng ra sao đến kinh tế? - Ảnh 1.

Thủ đoạn "pump and dump " hay "thổi giá rồi bán tháo" thường xuyên được nhắc đến về cơn sốt tiền ảo

Đầu tiên những nhà đầu cơ thao túng và "thổi giá" (pump) giá tiền tệ ảo bằng cách thúc đẩy thị trường. Nhóm những nhà đầu cơ dành khá nhiều thời gian mua tiền tệ ảo giá rẻ, sau đó sẽ thổi bằng cách tung tin đồn "tốt" về loại tiền ảo mà họ đã gom. Sau khi tin đồn bắt đầu có đà lan rộng, khối lượng giao dịch sẽ tăng và giá trị của tiền tệ ảo đồng thời tăng theo.

Sau khi giá tiền tệ này chạm đến một mức cao như mong muốn, những nhà đầu cơ sẽ "bán tháo" đồng loạt tiền ảo này đi, thậm chí, bán phá giá gây sụt giảm thị trường nghiêm trọng. Những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm có thể dễ dàng mất đi một khoản tiền lớn trong nháy mắt.

Lũng đoạn thị trường tài chính ảnh hưởng tới nền kinh tế như thế nào?

Khi thị trường bị lũng đoạn, tất cả hoạt động kinh tế ảnh hưởng theo chiều hướng xấu đi. Nghiên cứu năm 2016 về lũng đoạn tài chính của David Ng, thuộc trường Đại học Cornell, chỉ ra khi thị trường bị lũng đoạn, công ty mất chi phí vay cao hơn, trị giá cổ phiếu giảm, và quản lý doanh nghiệp xấu đi.

Nói một cách đơn giản hơn, tất cả chúng ta, từ những người đầu tư cổ phiếu cho đến người tiêu dùng, đều "thua thiệt" trong một thị trường vốn bị lũng đoạn. Thị trường khó đầu tư hơn sẽ dẫn đến tình trạng càng ít người chịu đầu tư.

Nếu Việt Nam muốn xây dựng một hệ thống thị trường năng động, điều cần làm là tạo ra một thị trường hấp dẫn và ổn định hơn nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn. Nếu không, những công ty lớn của Việt Nam cũng sẽ tìm kiếm cơ hội niêm yết cổ phiếu của mình ở những thị trường khác.

Anh Tuấn
Ý kiến của bạn
Hướng đến tương lai đô thị thông minh Hướng đến tương lai đô thị thông minh

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.