Lượng du khách tăng cao dịp Tết: Hy vọng ngành du lịch sớm phục hồi
Kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần mới đây, nhiều địa phương và các điểm du lịch nổi tiếng đã đón một lượng lớn du khách gia tăng đột biến. Đây được xem là những tín hiệu tích cực đầu tiên, báo hiệu một năm phục hồi của ngành du lịch.
Sau hai năm COVID-19, ngành du lịch Việt Nam cũng như thế giới đã phải hứng chịu nhiều tác động tiêu cực, mọi hoạt động gần như "tê liệt". Từ một ngành đạt tăng trưởng trên hai con số, đóng góp 33 tỷ USD (tương đương 9,2%) vào GDP cả nước năm 2019, số lượng du khách và doanh thu của ngành này đã đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng.
Bước sang năm 2022, ngay từ những tháng đầu năm, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần, ngành công nghiệp không khói đã ghi nhận nhiều tín hiệu "phá băng", báo hiệu một năm phục hồi tích cực.
Lượng khách du lịch tăng đột biến
Kỳ nghỉ Tết vừa qua, nhiều tỉnh địa phương ghi nhận có sự tăng trưởng đột biến về khách du lịch. Với miền Bắc, theo thông tin từ Sở VHTTDL Lào Cai, tỉnh dự kiến đón trên 70.000 lượt khách, tăng khoảng 25.000 lượt khách so với dịp Tết Tân Sửu 2021. Tỷ lệ đặt phòng hiện tại ở các khu, điểm du lịch của Lào Cai và đặc biệt tại Sa Pa đã đạt khoảng 90% công suất.
Theo thống kê từ UBND tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 29 Âm lịch đến mùng 3 Tết Âm lịch, lượng khách đến với khu du lịch Yên Tử (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) đạt hơn 4.000 người; Đền Cửa Ông đón hơn 5.000 lượt người; Vịnh Hạ Long có gần 2.000 du khách tham quan.
Ninh Bình mở cửa đón khách ngoại tỉnh ngay từ ngày mùng 1 Tết. Thống kê sơ bộ, trong hai ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán), đã có gần 5.000 lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh đã ghé thăm các khu, điểm du lịch ở Ninh Bình.
Ở miền Trung, các trung tâm du lịch như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng thu hút lượng khách rất đông đến nghỉ dưỡng, vui xuân.
Tại Đà Nẵng lượng khách đến dịp Tết cũng tăng khoảng 16,71% so với năm 2021, ước đạt 35.939 lượt khách, trong đó khách nội địa là 35.204 lượt, tăng 16% so cùng kỳ (khách lưu trú là 25.500 lượt, tăng gấp 6 lần so cùng kỳ). Trong 9 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần (từ ngày 29/1 - 6/2), dự kiến có tổng cộng 404 chuyến bay đưa du khách đến Đà Nẵng.
Tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng trong 5 ngày nghỉ lễ tính từ ngày 31/1 đến 4/2 đến Khánh Hòa đạt khoảng 65.500 lượt khách. Tổng lượt khách lưu trú tăng 241,7% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều khách sạn ở Khánh Hòa lần đầu tiên “full phòng” trong hai năm bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch.
Còn tại Lâm Đồng, tổng lượng khách đến tham quan, lưu trú từ 29/1 đến 2/2 đạt khoảng 27.000 lượt khách. Riêng TP Đà Lạt đón 25.000 lượt khách. Dự kiến tổng lượt khách đến Lâm Đồng từ 29/1 đến 6/2 đạt khoảng 80.000 lượt khách.
Trong khi đó tại khu vực miền Nam, hoạt động du lịch cũng không kém phần sôi động, náo nhiệt. Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc cho biết trong dịp Tết nguyên đán sẽ đón 368 chuyến bay tới đây. Theo ước tính của ngành du lịch Kiên Giang, trong ba ngày Tết có khoảng 80.000 lượt khách đến Kiên Giang du xuân.
Lượng khách tăng cao ở nhiều nơi là tín hiệu vui của ngành du lịch, cho thấy nhu cầu đi du lịch, nghỉ dưỡng của người dân là rất lớn. Điều này cũng cho thấy sức bật của ngành này sau khi được mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch quốc tế, cũng như đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài qua tất cả cửa khẩu quốc tế với thời điểm theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ ngày 31/3 tới đây.
Kỳ vọng lớn khi du lịch Việt Nam mở cửa trở lại
Trước thực trạng bội thu khách du lịch trong kỳ nghỉ Tết, cộng với chủ trương của Chính phủ là mở cửa du lịch từ cuối tháng 3/2022, ngành du lịch đang có những kỳ vọng lớn về “bùng nổ” du lịch để sớm được phục hồi. Tuy nhiên, để đạt được những kỳ vọng đề ra, không ít doanh nghiệp lữ hành cho rằng, du lịch cần nhất là phát triển sự bền vững và sự đồng lòng của các sở ban ngành, các địa phương.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, bà Trần Nguyện - Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Sun World (thành viên Sun Group) cho biết, trong suốt 2 năm dịch bệnh, Sun Group cũng đã nỗ lực, biến “nguy thành cơ” để tận dụng thời gian tái đầu tư, đầu tư mới, bảo trì và bảo dưỡng, duy trì và giữ được lực lượng lao động 100%. Đối với lộ trình mở cửa du lịch, Sun Group cũng đưa ra một số đề xuất đáng chú ý như đối với thị trường quốc tế cần đảm bảo các điều kiện mà Chính phủ đưa ra; tạo điều kiện thuận lợi về chính sách cho du khách đến từ các thị trường trọng điểm gồm Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, Nga…
Ngoài ra, có chính sách tái cấu trúc thị trường du lịch bao gồm ra các bộ quy tắc ứng xử trong ngành du lịch và các bên cung cấp dịch vụ để định hướng phát triển du lịch bền vững. Với thị trường nội địa, cần tập trung vào công tác truyền thông mạnh mẽ về du lịch an toàn, khám phá thiên nhiên, du lịch sức khoẻ, du lịch trải nghiệm… Đồng thời đề xuất Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) bổ sung, thay thế các năng lực và nguồn nhân sự trẻ năng động, có nhiều sức sáng tạo, đặc biệt là ở chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Đây là một trong những nhân tố hỗ trợ tích cực nhằm giúp ngành du lịch Việt Nam có thể sớm hồi sinh.
Hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đẩy mạnh các chương trình du lịch nội địa để hiện thực hóa mục tiêu khá tham vọng đón 65 triệu lượt khách năm 2022, trong đó có 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vắc xin”, với tổng thu từ du lịch cả năm dự kiến khoảng 400.000 tỷ đồng.
Với việc phủ vắc xin diện rộng, cùng với dịch bệnh đang được kiểm soát và sự vào cuộc quyết liệt các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến đảm bảo an toàn cho du khách, hứa hẹn một năm 2022 nhiều triển vọng phục hồi du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.
HM (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.