Lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN tăng bất thường
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam chỉ trong 6 tháng đầu năm đã lên đến 781.334 tấn, con số này còn lớn hơn cả tổng lượng đường nhập khẩu trong năm 2020 khoảng gần 100.000 tấn (cả năm 2020 nhập khẩu 690.025 tấn đường).
Đáng chú ý, nếu như các năm trước đây, lượng đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan chiếm tới gần 92%, thì trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu đường từ Thái Lan đã giảm xuống còn khoảng 33,64%. Ngược lại, lượng đường nhập khẩu có xuất xứ từ các nước khu vực ASEAN như Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Campuchia lại tăng mạnh, chiếm 51,09%.
Các chuyên gia trong lĩnh vực mía đường cho rằng, có dấu hiệu của việc đường Thái Lan "đi đường vòng" qua các nước khác để vào Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Việt Nam đang áp dụng đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cũng cho rằng, có sự bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào và Campuchia khi thống kê cho thấy, tỷ trọng đường nhập khẩu từ các quốc gia này đã tăng lên nhanh và tổng khối lượng đường nhập khẩu chỉ trong nửa năm 2021 đã lớn hơn cả năm 2020.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng thư ký VSSA cho biết: Sau khi bị áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thì lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan giảm, giá đường trong nước đã nâng lên và giá mía của nông dân cũng được cải thiện, mang lại hy vọng phục hồi phát triển ngành đường trong nước những vụ sản xuất tới
Đại diện VSSA cũng cho rằng, có nhiều dấu hiệu đường xuất xứ từ Thái Lan vẫn nhập khẩu về Việt Nam nhưng thông qua nước thứ ba dưới hình thức lẩn tránh thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp (gian lận về xuất xứ) bởi ngành mía đường của 5 nước ASEAN nêu trên hoàn toàn không đủ năng lực để vào Việt Nam với số lượng "khủng" như vậy. Nếu để tình trạng đường của Thái Lan "đi vòng" qua các nước để vào Việt Nam, thì nguy cơ ngành mía đường vừa được vực dậy trong nửa năm qua, lại bị đường lẩn tránh thuế chống bán phá giá của Thái Lan bóp nghẹt, nguy cơ hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, người trồng mía lại lao đao là hiện hữu.
VSSA cơ bản đã hoàn thành hồ sơ gửi lên Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), kiến nghị việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá từ 5 nước ASEAN nêu trên để kịp thời có những biện pháp kiềm chế bất thường của đường nhập khẩu, tránh nguy cơ tác động xấu đến ngành sản xuất mía đường trong nước.
Huyền My (T/h)Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.