Lượng hạt điều nhập khẩu từ Campuchia tăng 107% về lượng và 83% về kim ngạch
2 tháng đầu năm nay, nhập khẩu điều thô tăng trưởng 2 con số. Campuchia tiếp tục là thị trường cung cấp điều lớn nhất cho Việt Nam.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm cả nước nhập khẩu 272 nghìn tấn hạt điều thô, với tổng kim ngạch hơn 360 triệu USD, tăng 78,2% về lượng và tăng 52,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Các thị trường nhập khẩu chính như Campuchia, Bờ Biển Ngà, Gana, Nigeria…
Đáng chú ý, lượng hạt điều nhập khẩu từ Campuchia tăng mạnh 3 con số. Cụ thể, 2 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu từ thị trường này đạt hơn 86 nghìn tấn, kim ngạch 129,4 triệu USD, tăng hơn 107% về lượng và tăng 83% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng cả năm 2022, Việt Nam đã chiếm tới 98,5% sản lượng điều xuất khẩu của Campuchia, tương đương 660.000 tấn, trị giá hơn 1 tỉ USD.
Tuy nhiên, lượng nhập khẩu 2 tháng đầu năm này không quá bất thường như thời điểm đầu năm 2021.
Theo thông tin chia sẻ của Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), lượng hạt điều thô nhập khẩu tăng đột biến từ Campuchia do nước này đang diễn ra mùa vụ thu hoạch hạt điều. Từ nhiều năm nay, hầu như tất cả hạt điều của Campuchia đều bán cho người Việt Nam.
Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ, hiện, 99% hạt điều thô của Campuchia là bán sang thị trường Việt Nam, còn 1% là họ để tiêu dùng trong nước chứ không xuất khẩu đi thị trường khác. Ở đây là do vấn đề về logistics. 1 lô hàng hạt điều, khi họ bán sang thị trường Việt Nam chỉ khoảng 1 - 2 ngày là họ có thể thu tiền, trong khi bán sang thị trường Ấn Độ, họ phải chi phí container, chi phí cước tàu biển,…
"Các doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Campuchia đang giữ mối với nhau nên vào mùa vụ thì doanh nghiệp phải mua vào, chứ không phải là do đơn hàng xuất khẩu điều nhân của Việt Nam tăng nóng", Phó Chủ tịch thường trực VINACAS nhận định.
Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh chưa có nhiều đơn hàng điều nhân xuất khẩu, doanh nghiệp lại nhập khẩu điều thô về với sản lượng lớn, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tự “ngâm tiền” và có thể phải đối diện với nhiều khó khăn tài chính.
Theo dự báo của VINACAS, trong năm 2023, hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng điều toàn cầu và ở Việt Nam tiếp tục còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức lớn từ tình hình kinh tế - chính trị quốc tế. Nhiều vấn đề phải đối mặt như lạm phát, suy thoái, chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, biến động tỷ giá USD/ VND, tiêu dùng giảm sút, chi phí chế biến ngày càng tăng, sản xuất đình trệ... VINACAS đã phải điều chỉnh mức chỉ tiêu doanh số xuất khẩu điều nhân năm 2023 ở mức khiêm tốn khoảng 3,1 tỉ USD.
Thương Huyền (t/h)Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục lan rộng trong tháng 11 khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh cạnh tranh, áp dụng mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn, đặc biệt dành cho các khoản tiền gửi dài hạn.