Lượng khách quốc tế qua cảng hàng không tăng hơn 30%
Theo thống kê của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), sản lượng vận chuyển khai thác 8 tháng năm 2024 của thị trường trong nước giảm nhẹ trong khi đó thị trường quốc tế ghi nhận có sự tăng trưởng.
Thông tin từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) cho thấy 8 tháng năm 2024, sản lượng cất hạ cánh đạt 460.135 lượt chuyến, đạt 65,2% kế hoạch năm và giảm 7,9% so với cùng kỳ 2023.
Trong đó, cất hạ cánh quốc tế đạt 170.362 lượt chuyến, tăng 22%; cất hạ cánh trong nước đạt 289.772 lượt chuyến, giảm 19,5% so với cùng kỳ 2023.
Bên cạnh đó, sản lượng hàng hóa, bưu kiện đạt 995.304 tấn, đạt 72,7% kế hoạch năm, tăng 25,6% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, hàng hóa, bưu kiện quốc tế đạt 691.053 tấn, tăng 22,7%, hàng hóa. Bưu kiện trong nước đạt 304.251 tấn, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Sản lượng hành khách đạt 75.852.267 khách, đạt 66,6% kế hoạch năm, giảm 4,3% so với cùng kỳ 2023. Trong đó khách quốc tế đạt 27.472.661 khách, tăng 32,4%; khách trong nước đạt 48.379.606 khách, giảm 17,3% so với cùng kỳ 2023.
Cũng trong 8 tháng của 2024, công tác an ninh, an toàn tại các cảng hàng không của ACV được đảm bảo tuyệt đối.
ACV đã chỉ đạo các cảng hàng không tiếp tục làm tốt hoạt động khai thác, không để xảy ra các sự cố nghiêm trọng trong hoạt động khai thác tại các cảng hàng không; phục vụ tốt các chuyến bay chuyên cơ ưu tiên của Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế.
Chất lượng dịch vụ an ninh, an toàn khai thác ngày càng nâng cao, các chỉ số về vụ việc có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023. Toàn mạng cảng 8 tháng ghi nhận 186 vụ việc về an toàn hàng không, giảm 43 vụ việc so với cùng kỳ 2023.
Về công tác an toàn, trong 8 tháng tại các cảng hàng không trực thuộc ACV, các sự cố, vụ việc trong cả ba lĩnh vực: khai thác cảng hàng không, quản lý hoạt động bay và khai thác tàu bay giảm 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Huyền My (t/h)Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.