Lượng kiều hối người lao động gửi về nước ước đạt 5 tỷ USD mỗi năm

Tài chính - Đầu tư
09:22 AM 20/07/2025

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) cho biết, hiện có trên 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định, đem lại nguồn thu ngoại tệ khoảng 5 tỷ USD mỗi năm.

Ông Vũ Trường Giang - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) cho biết, dù gặp nhiều biến động cũng như ảnh hưởng của dịch COVID-19, song giai đoạn 2020 - 2025, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn đạt những kết quả tích cực.

Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng với hơn 700.000 người đang làm việc theo hợp đồng, trung bình mỗi năm phái cử khoảng 150.000 người, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Năm 2024, có hơn 158.000 lao động được đưa đi nước ngoài; 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 74.000 người, bằng 57,5% kế hoạch năm. Lượng kiều hối người lao động gửi về nước ước đạt 5 tỷ USD mỗi năm.

Lượng kiều hối người lao động gửi về nước ước đạt 5 tỷ USD mỗi năm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Lao động Việt Nam được đánh giá cao về tay nghề và kỷ luật, góp phần mở rộng thị trường sang các ngành kỹ thuật, điều dưỡng, công nghệ và nông nghiệp.

Dòng kiều hối 5 tỷ USD được coi là nguồn bổ sung quan trọng cho dự trữ ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hàng trăm nghìn gia đình cải thiện thu nhập. Cơ quan chức năng cũng ghi nhận, lao động làm việc ở nước ngoài có thu nhập ổn định, gửi tiền về nước thường xuyên, nhất là tại những thị trường truyền thống như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cùng với việc tham mưu ban hành các văn bản, Cục đã đàm phán và ký kết hơn 60 thỏa thuận hợp tác quốc tế, trong đó Nhật Bản có 17 thỏa thuận, Hàn Quốc có 6 thỏa thuận - là hai thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất hiện nay. Đến tháng 5, cả nước có 507 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 70% đặt trụ sở tại Hà Nội, 15% tại TP. Hồ Chí Minh, còn lại ở các tỉnh khác. 

Để duy trì đà tăng trưởng, Cục Quản  lý lao động ngoài nước đặt mục tiêu tiếp tục bám sát nhu cầu thị trường, hoàn thiện cơ chế bảo hộ công dân, nâng cao chất lượng tuyển chọn và đào tạo ngoại ngữ, tay nghề cho lao động trước khi xuất cảnh. Các đơn vị phái cử được yêu cầu kiểm soát chặt phí dịch vụ và tăng cường hỗ trợ người lao động trong suốt thời gian làm việc ở nước ngoài.

Theo kế hoạch, ngành lao động đặt mục tiêu phái cử tối thiểu 500.000 người ra nước ngoài làm việc giai đoạn 2026‑2030; mọi thủ tục dự kiến sẽ được chuyển sang dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động, đồng thời bảo đảm quản lý nhà nước hiệu quả.

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đơn vị sẽ tập trung xây dựng chiến lược dài hạn, mở rộng thị trường có thu nhập cao và điều kiện làm việc an toàn cho người lao động Việt Nam. 

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn