Lượng kiều hối về TP.HCM 6 tháng ước đạt 4,4 tỷ USD
Số kiều hối trên địa bàn TP.HCM 6 tháng đầu năm 2023 dự ước đạt 4,4 tỷ USD, bằng 66% so với năm 2022. Còn tính từ đầu 2021 đến tháng 6/2023, lượng kiều hối trên địa bàn thành phố cũng tăng mạnh so với nửa đầu nhiệm kỳ trước.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM tại kỳ họp thứ X, Hội đồng Nhân dân thành phố khoá X (nhiệm kỳ 2021-2026) cũng thông tin dự ước, số kiều hối trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 là 4,4 tỷ USD, bằng 66% so với năm 2022.
UBND thành phố nhận định, xu hướng tăng trưởng tích cực của lượng kiều hối sẽ góp phần ổn định tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM.
Trước đó, trong quý I/2023, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt mức tăng trưởng 19,41% so với cùng kỳ và bằng khoảng 32% tổng lượng kiều hối chuyển về địa bàn trong năm 2022, đồng thời cao hơn nhiều so với mức tăng 14,2% (so với cùng kỳ) của quý I/2022.
Từ đầu 2021 đến tháng 6/2023, lũy kế lượng kiều hối trên địa bàn thành phố đạt 18,07 tỷ USD, tăng 68,42% so với nửa đầu nhiệm kỳ trước.
Đối với dữ liệu về vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trên địa bàn thành phố có 11.007 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn khoảng 55,45 tỷ USD (TP.HCM dẫn đầu cả nước về số dự án còn hiệu lực).
Trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2023, tổng vốn FDI vào địa phương ước đạt 12,65 tỷ USD. Thành phố đặt mục tiêu tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài cả năm 2023 đạt 4,4 tỷ USD. Sang năm 2024, TP. HCM dự kiến thu hút khoảng 5 tỷ USD, năm 2025 dự kiến thu hút khoảng 6,2 tỷ USD.
UBND TP. HCM cho rằng, dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, song các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường đầu tư tiềm năng ở cả trước mắt cũng như lâu dài.
Theo báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) thực hiện, Việt Nam tiếp tục là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới trong năm 2022.
Cũng theo báo cáo trên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu trong 2 năm qua, đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, song dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định.
Cụ thể, kiều hối về Việt Nam năm 2022 tăng gần 5% so với năm trước (tương đương mức tăng của năm 2021), đạt gần 19 tỷ USD và được dự báo tăng từ 3,6 - 4,5% trong năm tiếp theo.
Huyền My (t/h)Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, cả 2 lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa đều tăng trưởng ấn tượng, vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng trưởng 2 con số.