Lượng kiều hối về Việt Nam tăng 32%
Ngân hàng Nhà nước ước tính lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Trong đó, lượng kiều hối về TP Hồ Chí Minh đạt gần 9,5 tỷ USD, chiếm gần 60% của cả nước.
Kiều hối chảy về Việt Nam tăng trưởng chậm giai đoạn COVID-19, thậm chí suy giảm trong năm 2022. Tuy nhiên, dòng tiền này hồi phục mạnh trong năm qua, đạt con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Chia sẻ với các cơ quan báo chí, Vụ trưởng Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) ước tính lượng kiều hối chảy về cả nước năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Địa phương đón nhận lượng kiều hối nhiều nhất tiếp tục là TP HCM với gần 9,5 tỷ USD, tức chiếm gần 60% của cả nước.
Vốn là khu vực có nhiều người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài, TP.HCM năm qua ghi nhận lượng ngoại tệ do kiều bào chuyển về tăng hơn 40% so với năm ngoái. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất thập kỷ, một phần do nền thấp của năm 2022.
So với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 thì lượng kiều hối gấp 2,7 lần, bằng khoảng 14% GRDP của thành phố đầu tàu kinh tế đất nước.
Nếu tính cả giai đoạn 1993-2023, lượng kiều hối gửi về nước đạt gần 200 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Ghi nhận của nhiều ngân hàng thương mại, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, giúp ngành ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối.
Hiện nay, kiều hối chuyển về Việt Nam qua hai kênh chủ yếu là ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối. Để thu hút “nguồn lực vàng” này, nhiều ngân hàng thương mại trong những năm gần đây đã triển khai các chương trình với chính sách ưu đãi hấp dẫn, đặc biệt vào thời điểm dịp cuối năm khi kiều bào có nhu cầu gửi tiền về hỗ trợ người thân hoặc đầu tư cho sản xuất - kinh doanh.
Còn theo số liệu từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Việt Nam hiện có khoảng 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, trên 80% tại các nước phát triển, với khoảng 600.000 kiều bào có trình độ đại học trở lên.
Theo dự báo có điều chỉnh của Đối tác Tri thức Toàn cầu về Di cư và Phát triển (KNOMAD), Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia nhận nhiều kiều hối nhất năm 2023, sau Ấn Độ, Mexico, Trung Quốc, Philippines, Pháp, Đức, Ukraina.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM kỳ vọng lượng kiều hối chuyển về tăng khoảng 20% khi kinh tế thế giới được dự báo sẽ chuyển mình sau đại dịch, nhưng cũng gặp thách thức với diễn biến phức tạp của chính trị xã hội.
Phó Chủ tịch TP HCM cũng nhận định địa phương cần nỗ lực cải thiện nhiều mặt, như năng lực cạnh tranh, có mô hình và hướng đi phù hợp, quyết sách đột phá để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó, góp phần đóng góp vào kiều hối.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.