Nhập khẩu thép cuộn cán nóng tăng 26% so với cùng kỳ
Gần 8,8 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) được nhập về Việt Nam trong 9 tháng của năm 2024, tăng 26% so với cùng kỳ. Trong đó, 72% số này nhập từ Trung Quốc.
Theo dữ liệu Hải quan, trong tháng 9 lượng thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu về Việt Nam đạt 1,2 triệu tấn, tăng 34% so với tháng 8 và bằng 220% sản lượng sản xuất trong nước (568.000 tấn).
Tổng cộng 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu gần 8,8 triệu tấn HRC, tăng 26% so với cùng kỳ 2023 và bằng 171% sản xuất trong nước.
Nguyên nhân lượng thép HRC nhập khẩu tăng mạnh là do tình trạng nguồn cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu thép cán nóng trong nước ước tính khoảng 12 - 13 triệu tấn mỗi năm.
Về thị trường nhập khẩu của Việt Nam, lượng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 72%, tương đương 6,3 triệu tấn, bỏ xa lượng sản phẩm tiêu thụ của doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ đạt 5,1 triệu tấn.
Lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm phần lớn chủ yếu do giá bán từ thị trường này thấp hơn các thị trường khác từ 30-70 USD tùy từng loại sản phẩm. Điều này xuất phát từ thực tế, Trung Quốc vẫn đang "thừa thép", tiêu thụ nội địa giảm buộc các nhà sản xuất thép nước này phải đẩy mạnh xuất khẩu thép với giá thấp để giải phóng bớt hàng tồn kho.
Đáng chú ý, lượng thép cuộn cán nóng vẫn ồ ạt vào Việt Nam bất chấp cuộc điều tra chống bán phá giá từ tháng 7/2024 đối với sản phẩm HRC có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ. Mặc dù cuộc điều tra có thể dẫn tới việc áp dụng thuế chống bán phá giá nhưng quyết định này còn tùy thuộc vào kết luận cuối cùng.
Việc nhập khẩu HRC ồ ạt từ Trung Quốc đã và đang tạo áp lực đáng kể lên các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đặc biệt là Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG). Nếu Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu, điều này sẽ giúp Hòa Phát tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm nội địa, giảm bớt áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc, đồng thời củng cố vị thế trong ngành thép Việt Nam.
Hiện nay, các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan và Indonesia đã áp dụng biện pháp phòng vệ với thép cán nóng Trung Quốc. Lượng sản xuất của Thái Lan và Indonesia chỉ đáp ứng lần lượt là 43% và 65% nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, từ 2019 hai quốc gia này đã có thuế chống bán phá giá bên cạnh thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đang duy trì.
Minh An (t/h)Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.