Lượng quan tâm đất nền tăng đột biến, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Khánh Hoà dẫn đầu
Mức độ quan tâm đến loại hình đất và đất nền dự án tại nhiều tỉnh thành tăng mạnh. Trong đó, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Đà Nẵng… ghi nhận mức độ tăng tới 30-40%.
Báo cáo của batdongsan.com.vn ghi nhận mới đây, chỉ tính riêng trong tháng 2, mức độ quan tâm bất động sản tăng ở hầu hết loại hình với mức tăng trung bình 23% so với tháng 1. TP.HCM và Hà Nội có mức tăng lần lượt là 29% và 22%.
Đặc biệt, loại hình đất và đất nền dự án có mức độ quan tâm tăng mạnh ở nhiều tỉnh thành. Trong đó, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng là 3 khu vực có mức tăng mạnh nhất, lần lượt là 41%, 35% và 32%. TP.HCM và Hà Nội ghi nhận mức tăng 18% và 8%.
Tại Đà Nẵng, ghi nhận của tổ chức SPE.R, đến 28/2/2022, so với trước Tết, giámột số thị trường lớn như khu đô thị Nam Hòa Xuân tăng khoảng 300 - 400 triệu/sản phẩm. Khu đô thị Gami Eco Charm giá cũng tăng từ 200 - 300 triệu/sản phẩm tùy loại.
Tại Lâm Đồng, trong quý I/2022, báo cáo từ tỉnh này ghi nhận 12.467 lô đất nền giao dịch thành công, với tổng số tiền bán ra là 11.911 tỷ đồng.
Trong đó, huyện Lâm Hà dẫn đầu với 3.077 lô đất nền giao dịch thành công qua công chứng. Tiếp đến là huyện Di Linh với 1.826 lô đất nền; huyện Đức Trọng với 1.648 lô đất nền; thành phố Đà Lạt với 1.162 lô đất nền; huyện Bảo Lâm với 1.105 lô đất nền;…
Về lượng giao dịch nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong quý I/2022 cũng ghi nhận biến động tăng so với quý IV/2021. Theo đó, quý 1/2022, toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 899 căn nhà ở riêng lẻ giao dịch thành công với tổng số tiền bán ra là 1.934 tỷ đồng.
Trong khi đó, ở Khánh Hoà, thị trường loại hình đất cũng trở nên sôi động. Đặc biệt là thông tin dự án quy mô lớn sẽ xuất hiện ở Cam Lâm khiến cho làn sóng đổ bộ săn đất gia tăng. Đáng chú ý, đó là mức giá bất động sản của loại hình đất nền tăng từ 10-50%.
Ngoài Đà Nẵng, Khánh Hoà, Lâm Đồng, cơn sốt đất cũng lan rộng ra các vùng nông thôn khác như Bình Phước, Hà Tĩnh, Đắk Lắk…
Theo chuyên gia batdongsan.com.vn, nhu cầu mua loại hình đất nền gia tăng cho lo ngại về trượt giá và lạm phát khi tiền được bơm ra thị trường qua các gói kích thích kinh tế và giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, nhu cầu tích lũy tài sản gắn liền với đất làm kênh trú ẩn an toàn sẽ tăng lên trong năm nay.
Đối với nhóm bất động sản liền thổ, đất nền có giá vừa túi tiền hơn so với nhà phố, biệt thự hay shophouse nên sẽ hút các dòng vốn quy mô trung bình khá trở lên. Chuyên gia batdongsan.com.vn nhìn nhận, hiện tượng nóng sốt trên diện rộng trên thị trường khó diễn ra, mà chỉ diễn ra cục bộ ở một số địa phương hưởng lợi từ quy hoạch, hạ tầng.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam thừa nhận, phân khúc đất nền đang có sự tăng đột biến, thậm chí tình trạng này xuất hiện và lan rộng hơn rất nhiều so với hiện tượng "sốt đất" giai đoạn năm 2018 - 2019.
Lý giải điều này, ông Kiệt cho rằng, do suốt 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, nhiều kế hoạch đầu tư hạ tầng và dự án bị đình trệ. Do đó khoảng thời gian này, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế, các địa phương ồ ạt công bố kế hoạch đầu tư hạ tầng, quy hoạch, kế hoạch triển khai dự án, thì các nhà đầu tư bắt đầu chú ý và xây dựng chiến lược đón đầu, họ đua nhau đổ xô vào những khu vực xuất hiện thông tin quy hoạch. Vì thế mà giá bất động sản ở những khu vực này bị đẩy lên cao.
Cũng theo ông Kiệt, việc các địa phương bắt đầu tập trung mở rộng đầu tư phát triển tại các khu công nghiệp để thu hút nguồn vốn FDI, đồng thời đầu tư vào phát triển du lịch để nhanh chóng phục hồi ngành bất động sản sau Covid-19. Chính kỳ vọng này đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư khiến họ tập trung tìm kiếm các quỹ đất, sản phẩm để tận dụng được những yếu tố phát triển kinh tế.
Ông Kiệt thẳng thắn cho rằng, sốt đất ở thời kỳ này chủ yếu là sốt đất tâm lý. Vì đầu tư nào cũng muốn đón đầu thị trường ở những khu vực được dự báo tăng trưởng tốt, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển.
Triệu VươngThông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.