Lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân đã tăng 4,26%

Ngân hàng
03:05 PM 20/05/2025

Tiền gửi khách hàng cá nhân tại các tổ chức tín dụng tháng 2 tăng thêm 178.000 tỷ đồng so với cuối tháng 1, nâng tổng mức tăng trong 2 tháng đầu năm lên 301.000 tỷ đồng. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, lượng tiền gửi cá nhân đã tăng 4,26%.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu cho thấy, tiền gửi của khách hàng cá nhân tại các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng mạnh trong tháng 2/2025.

Cụ thể, đến cuối tháng 2, tổng lượng tiền gửi của cá nhân đạt 7,366 triệu tỷ đồng, tăng thêm 178.000 tỷ đồng so với cuối tháng 1 và tăng 301.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024. Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm, lượng tiền gửi cá nhân đã tăng 4,26%.

Lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân đã tăng 4,26%- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Đáng chú ý, lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân đã chính thức vượt tiền gửi của các tổ chức kinh tế. Cùng thời điểm, tiền gửi của khối tổ chức kinh tế tiếp tục giảm tháng thứ hai liên tiếp. 

Cụ thể, trong tháng 2, khối này rút ròng 71.000 tỷ đồng, nâng tổng mức giảm trong 2 tháng đầu năm lên 305.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm 3,98% so với cuối năm 2024. Tổng số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng đến cuối tháng 2 còn 7,362 triệu tỷ đồng.

Diễn biến này phản ánh xu hướng dòng tiền trong nền kinh tế, khi lãi suất có dấu hiệu nhích lên người dân có xu hướng gửi tiết kiệm nhiều hơn, trong khi doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và có thể đang rút tiền phục vụ hoạt động hoặc đầu tư vào các kênh sinh lời khác.

Ngoài ra, tổng phương tiện thanh toán trong tháng 2 cũng đi xuống so với tháng 1 với số tiền 19.000 tỷ đồng, còn 18,157 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán của tháng 2 còn 1,35% so với cuối năm 2024.

Trong tháng 2, các ngân hàng tăng lãi suất nhằm huy động vốn. Mức lãi suất huy động trên 6%/năm xuất hiện ở nhiều nhà băng. Lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 3 tháng dao động từ 3,5 - 4,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 4,8 - 5,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 5,8 - 7,7%/năm…

Diễn biến tăng lãi suất huy động trong tháng 2 được cho là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao đầu năm, cũng như cạnh tranh thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán còn nhiều biến động.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 2, trước yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trong tháng 3 và tháng 4, hàng chục ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất tiền gửi từ 0,3 - 1%/năm, tùy theo kỳ hạn và chính sách riêng.

Bước sang tháng 5, thị trường ghi nhận sự điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động tại một số ngân hàng với biên độ khoảng 0,1 - 0,3%/năm.

Theo giới chuyên gia, việc lãi suất huy động cá nhân tăng trong thời gian đầu năm và cao hơn tổ chức kinh tế là một tín hiệu cho thấy sự thận trọng của khu vực doanh nghiệp. Trong khi đó, người dân tiếp tục xem gửi tiết kiệm là một kênh an toàn và ổn định trong bối cảnh thị trường tài chính chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Đề xuất giữ cơ chế đặc thù cho 6 tỉnh, thành sau sáp nhập Đề xuất giữ cơ chế đặc thù cho 6 tỉnh, thành sau sáp nhập

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép các địa phương sau sáp nhập gồm TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Cần Thơ được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trước đây.