Lượng tiền gửi trong công ty chứng khoán chạm đáy 6 quý

Chứng khoán
08:40 AM 06/02/2025

Lượng tiền mặt của nhà đầu tư gửi tại các công ty chứng khoán về mức thấp nhất trong 6 quý gần đây phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước đối với thị trường chứng khoán.

Theo thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý IV/2024 của 70 công ty chứng khoán, lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán đã giảm quý thứ 3 liên tiếp về hơn 73.500 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 6 quý gần đây.

Lượng tiền gửi trong công ty chứng khoán chạm đáy 6 quý- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Nhịp sống Thị trường

Dù giảm 20% so với quý trước, VPS vẫn là công ty dẫn đầu về lượng tiền gửi của nhà đầu tư với 17.200 tỷ đồng trong quý IV/2024. Đây cũng là nhà môi giới dẫn đầu thị phần trên HoSE với hơn 18%.

Cũng theo FiinTrade, có tới 22/31 quỹ mở đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam hạ tỷ trọng tiền mặt trong tháng 12/2024. 

Đáng chú ý là Quỹ Cổ phiếu Việt Nam Chọn lọc (VFMVSF) với tỷ trọng tiền mặt giảm mạnh về 8,6% (từ mức 11,4% trong tháng 11). Đây là quỹ có quy mô NAV lớn nhất thực hiện hạ tỷ trọng tiền mặt trong 6 tháng gần đây. Tại thời điểm cuối năm 2024, quỹ VFMVSF có tổng tài sản ròng hơn 7,8 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, quỹ CP Tiếp cận Thị trường VinaCapital (VESAF) và quỹ CP Kinh tế Hiện đại VinaCapital (VMEEF), với tổng quy mô NAV hơn 4 nghìn tỷ đồng, có động thái giảm nắm giữ tiền mặt tháng thứ 2 liên tiếp. Hầu hết các quỹ cũng hạ tỷ trọng tiền mặt, đẩy mạnh mua vào cổ phiếu trong năm 2024.

Lý giải nguyên nhân trên, Chứng khoán Yuanta cho rằng, có ba nguyên nhân chính giải thích cho việc lượng tiền mặt đang gửi tại công ty chứng khoán giảm.

Thứ nhất, năm vừa qua thị trường chứng khoán "lình xình" đi ngang, xu hướng không rõ ràng với những cú sập bất ngờ khiến nhà đầu tư khó trading, thua lỗ liên tục nên họ rút chân khỏi thị trường. Đa phần nhà đầu tư không có thói quen đầu tư dài hạn mà 90% cá nhân trên thị trường thích lướt sóng ngắn hạn, việc này mang lại hiệu quả thấp dẫn đến họ rút tiền khỏi thị trường.

Thứ hai, chứng khoán bị cạnh tranh bởi tính hấp dẫn ở các kênh đầu tư khác như vàng, bitcoin, bất động sản. Đó là ba kênh họ ưa thích hơn, thu lời nhanh hơn khiến dòng tiền rút ra khỏi thị trường chứng khoán.

Thứ ba, năm 2024 vừa rồi các quỹ đầu tư ghi nhận hiệu suất tăng trưởng mạnh. Điều này cũng giải thích cho lý do vì sao lượng tiền gửi tại các công ty chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân giảm. Do nhà đầu tư cá nhân nhận thấy tự đầu tư không hiệu quả bằng việc mua chứng chỉ quỹ nên một lượng tiền lớn của cá nhân đã chuyển sang mua chứng chỉ tại các quỹ, khiến số dư tiền gửi cá nhân giảm mạnh.

Chuyên gia của Chứng khoán Yuanta cho rằng, năm 2024 là một năm minh chứng cho việc mua vào từ đầu năm nắm giữ hết năm sẽ thành công thay vì lướt sóng. Và năm 2025 xu hướng sẽ tiếp tục diễn ra như vậy. Năm 2025 thị trường sẽ vận hành theo yếu tố cơ bản, các quỹ đầu tư đang kỳ vọng nền tảng cơ bản tốt lên.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong tháng 1/2025 Vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong tháng 1/2025

Theo báo cáo vừa công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng đầu tiên của năm 2025.