Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng

Ngân hàng
02:32 PM 15/11/2024

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.

Gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh trú ẩn an toàn trong thời gian chờ đợi đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản… Lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng cao cũng cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn thấp và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trầm lắng.

Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 12/11, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư đạt 6.924.889,15 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023.

Còn so với cuối tháng 7, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng thêm 86.475 tỷ đồng. Đây là mức tăng lớn. Nếu tính bình quân theo ngày, mỗi ngày tháng 8 có 2.882 tỷ đồng được gửi vào ngân hàng.

Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng- Ảnh 1.

Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục lập kỷ lục mới. Ảnh: Int

Còn đối với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, lượng tiền gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng của đối tượng này tính đến cuối tháng 8 đạt 6.838.341,69 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2023. Có thể thấy, tiền gửi của tổ chức kinh tế đang có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng kể từ quý II trở lại đây. Như từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8, các tổ chức kinh tế gửi thêm vào ngân hàng gần 70 nghìn tỷ đồng.

Tính tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 thì tổng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.

Xu hướng tăng tiền gửi tại ngân hàng tiếp tục diễn ra trong tháng 9 và 10. Tại cuộc họp báo thường kỳ về hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết tổng tiền gửi tính đến cuối tháng 10 ước đạt 14,5 triệu tỷ đồng.

Lý giải việc tiền gửi tiết kiệm vẫn tiếp tục đổ vào ngân hàng, các chuyên gia tài chính cho rằng thực trạng trên cho thấy gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh trú ẩn an toàn trong thời gian chờ đợi đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản…

Đặc biệt là giá vàng biến động quá lớn. Kể từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế tăng đến hơn 50%. Nếu đầu tư thì vô cùng rủi ro. Còn để tích trữ vàng, người dân thường chỉ mua khi giá mặt hàng này ổn định.

Mặt khác, lãi suất huy động cũng đã nhích lên kể từ tháng 4 trở lại đây. Hiện tại lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân niêm yết phổ biến mức 5 - 5,8%/năm cho kỳ hạn gửi 12 tháng. Còn kỳ hạn 6 - 9 tháng, lãi suất tiền gửi niêm yết là 4,5 - 4,8%/năm.

Tuy nhiên theo các chuyên gia tiền gửi cũng chỉ là một kênh để “bảo toàn vốn” trong bối cảnh thị trường khó khăn. Dự báo kinh tế sẽ khởi sắc trong năm 2025, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản có dấu hiệu phục hồi, xu hướng dòng tiền đổ xô vào gửi tiết kiệm sẽ khó duy trì.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á

“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.